Ma trận thực phẩm "bẩn" - Cần siết chặt các chế tài quản lý
Hàng loạt các vụ việc sản phẩm, thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ với khối lượng lớn liên tục được phát hiện khiến người tiêu dùng e ngại “con đường từ dạ dày tới nghĩa địa đang trở nên ngắn và dễ dàng hơn bao giờ hết”.
Ma trận thực phẩm "bẩn"
Hơn 7 tấn thực phẩm đông lạnh gồm 2.560kg trứng non, 200kg trứng gà, 3.050kg nầm heo và 1.200kg tràng heo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ mới đây là 1 trong số 9 vụ liên quan đến kinh doanh thực phẩm số lượng lớn không rõ nguồn gốc, được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường phát hiện trong gần 1 tháng qua.
Trước đó, khi kiểm tra 3 kho đông lạnh tại thôn Bái Đô, xã Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 10 tấn nội tạng bò gồm lòng, tim, dạ dày, xách (cả trâu và bò) đang trong tình trạng bốc mùi, chảy nước, có dấu hiệu hư hỏng.
Toàn bộ số hàng hóa này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Được biết các kho đông lạnh này cung ứng ra thị trường mỗi ngày hàng trăm kg thịt và nội tạng bò.

Một vụ việc khác, ngày 23/4 lực lượng liên ngành cũng đã kiểm tra và thu giữ một lượng lớn thực phẩm như xúc xích, lạp xưởng, há cảo, viên thả lẩu “thập cẩm”, thanh cua... tại một kho lạnh ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là các loại thực phẩm được sử dụng phổ biến trong các món ăn vỉa hè như xiên “bẩn”, đồ thả lẩu.
Những ngày qua, dư luận xã hội cũng xôn xao trước thông tin về cỗ lòng se điếu dài tới 40 mét tại một số quán ăn ở Hà Nội và TP.HCM. Thông tin này khiến nhiều người tò mò, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Liệu có thật sự tồn tại cỗ lòng dài như vậy? Và những sản phẩm được bán tại cửa hàng này có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Hiện nay quán ăn này đã đóng cửa sau khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Một trong những đặc điểm chung của các vụ việc này đó là số thực phẩm khi bị thu giữ đều đã được thu mua từ các nguồn trôi nổi trên thị trường và không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, nếu không bị phát hiện kịp thời, số thực phẩm này rất có thể đã được đưa vào tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội, thậm chí thông qua các kênh bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng.

Những vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng thực phẩm, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các quán ăn vỉa hè. Việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cần siết chặt chế tài quản lý
Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhận định đây là câu chuyện gây ra nhiều bức xúc. Bởi những sản phẩm này có thể được tiêu thụ hàng ngày, xuất hiện trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên đáng nói những vụ việc này vẫn tiếp diễn trong nhiều năm, chỉ đến khi các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài phản ánh liên tục, gây nên các "cơn sóng" dư luận thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra phát hiện. Do đó việc xử lý nghiêm các vụ việc này là hết sức cấp thiết.

“Tôi nghĩ việc giám sát, kiểm tra, thanh tra là công việc phải thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng. Như vậy thì mới bảo đảm được về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Tôi cho rằng thời gian qua một số cơ quan chức năng trong lĩnh vực này vẫn còn đang lơ là, thiếu trách nhiệm thì chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận và kiểm soát lại về vấn đề này”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Mở rộng về vấn đề quản lý Nhà nước liên quan đến kiểm soát thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng Quốc hội đang thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đây cũng là thời điểm để siết chặt về mặt pháp lý đối với các sản phẩm, hàng hoá có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng.
“Cốt lõi nhất là cần quy định những điều cấm cho các cơ sở sản xuất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Cần nghiêm trị với các đối tượng bao che, cản trở các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Các cơ quan Nhà nước cũng cần vào cuộc quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ người tiêu dùng, truy suất nguồn gốc sản phẩm, điều tra từ khâu chế biến, nguồn gốc nguyên liệu xuất xứ. Có vậy mới đảm bảo an toàn được cho sức khoẻ người dân”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhận định.
Trước “ma trận” thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bủa vây như hiện nay, người dân không những cần thay đổi tư duy trong việc lựa chọn thực phẩm, mà ngay cả việc khám sức khỏe định kỳ cũng cần được quan tâm và hình thành như một thói quen.
Nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, trở thành những người tiêu dùng thông thái cũng là cách để người dân bảo vệ sức khoẻ của chính mình.
Bà Trần Việt Nga – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): "Chính phủ đang tiến hành sửa Luật An toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý và khắc phục những tồn tại hiện nay.
Để đảm bảo người dân được tiếp cận với các sản phẩm an toàn và chất lượng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Sự trung thực và trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng".