Kinh tế

Đưa hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế bền vững

Hà Lan 12/05/2025 14:21

Cả nước hiện có khoảng 45.000ha trồng hoa, cây cảnh, giá trị sản xuất lên đến hàng tỷ đồng/ha mỗi năm và kim ngạch xuất khẩu đã vượt mốc 100 triệu USD… Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách để hoa, cây cảnh được công nhận là ngành hàng kinh tế chính thức trong cơ cấu trồng trọt quốc gia.

Nở rộ làng nghề, vươn ra thế giới

Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn tham gia sản xuất theo quy trình công nghệ cao, từng bước vươn ra xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung phát biểu tại lễ khai mạc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung phát biểu tại lễ khai mạc Festival hoa, cây cảnh VNUA năm 2025

Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival hoa, cây cảnh năm 2025 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, diện tích hoa, cây cảnh cả nước hiện đã mở rộng đáng kể. Nhiều vùng sản xuất lớn hình thành tại Đà Lạt, Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp…

Các làng hoa truyền thống như Ngọc Hà, Tây Tựu (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp)… không chỉ cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt mà còn chứa đựng giá trị văn hóa và tình yêu thiên nhiên của người Việt.

Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 hu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: H.Lan
Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 hu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: H.Lan

Tính đến năm 2024, diện tích trồng hoa, cây cảnh đã tăng gấp 8 lần so với năm 2000. Giá trị sản lượng toàn ngành tăng trưởng khoảng 6 - 8%/năm. Tùy mô hình và mức độ ứng dụng công nghệ, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hoa đã vượt mốc 100 triệu USD, với các sản phẩm chủ lực như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc...

Đây là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại thu nhập cao cho người nông dân, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại lễ khai mạc
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại lễ khai mạc Festival hoa, cây cảnh VNUA năm 2025.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực hoa, cây cảnh, sở hữu đội ngũ chuyên gia trình độ cao và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại.

Theo GS. TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện, nhiều công trình nghiên cứu tại đây đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị theo chuỗi giá trị…, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành kinh tế sinh thái này.

Học viện cũng đã làm chủ công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô, sản xuất nhiều loại hoa thương phẩm như lan hồ điệp, sen, cúc, loa kèn, lan huệ, hoa hiên, phong vũ…, phù hợp với điều kiện khí hậu và thị trường trong nước. Các kỹ thuật này đã được chuyển giao rộng rãi đến người trồng hoa tại nhiều địa phương.

Đồng thời, Học viện tích cực hợp tác với các tỉnh, thành, doanh nghiệp và hội sinh vật cảnh để đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Ngành Nông học và Công nghệ rau, hoa quả, cảnh quan của Học viện đã đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực hoa, cây cảnh.

Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Trên thế giới, hoa, cây cảnh là ngành hàng phát triển mạnh. Năm 2023, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh toàn cầu đạt hơn 5 triệu ha. Châu Âu là thị trường lớn nhất, tiếp theo là Colombia, Kenya, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Ngành công nghiệp hoa cắt cành đạt giá trị 60 tỷ USD, với doanh số xuất khẩu năm 2024 là 3,45 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 8%/năm.

Châu Âu chỉ chiếm 12% diện tích trồng hoa toàn cầu, nhưng lại tạo ra 42% giá trị sản lượng, nhờ trình độ thâm canh cao, giá trị sản xuất trung bình đạt 120 nghìn euro/ha. Tại châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản có tỷ lệ trồng hoa trong nhà kính lần lượt là 17% và 51%, với năng suất tương ứng là 10 nghìn và 140 nghìn euro/ha/năm.

Các quốc gia có ngành hoa phát triển như Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Colombia, Kenya đều đã đầu tư bài bản vào hệ thống logistics, đấu giá, thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu quốc gia cho hoa. Những trung tâm như Côn Minh (Trung Quốc), Aalsmeer (Hà Lan) đã trở thành biểu tượng văn hóa, nơi kết nối giữa sản xuất, khoa học và thị trường toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển theo mô hình như vậy nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, từ cơ sở đào tạo, nghiên cứu đến doanh nghiệp và nghệ nhân.

Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 hu hút sự tham gia của hàng trăm nhà vườn, doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa, cây cảnh. Ảnh: H.Lan
Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 hu hút sự tham gia của hàng trăm nhà vườn, doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa, cây cảnh. Ảnh: H.Lan

Để đạt được mục tiêu đưa hoa cây cảnh trở thành một ngành kinh tế bền vững, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định cần thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để hoa cây cảnh được công nhận là ngành hàng kinh tế chính thức trong cơ cấu trồng trọt quốc gia. Xây dựng các chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; Rà soát sửa đổi Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ hai, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh hoa cây cảnh tập trung tại các địa phương có lợi thế. Khuyến khích xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết với sự tham gia của doanh nghiệp làm trung tâm. “Chúng ta cần phải xây dựng được một hệ sinh thái ngành hoa, cây cảnh - nơi mỗi sản phẩm không chỉ có chất lượng, giá trị thẩm mỹ cao mà còn được định danh, gắn với truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn bền vững và có thể được giao dịch trên các nền tảng số, tham gia chuỗi cung ứng quốc tế”, Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường chọn tạo giống hoa mới, giống bản địa có giá trị kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ cao: nhà kính, tưới nhỏ giọt, nuôi cấy mô, AI, IoT trong sản xuất, bảo quản, phân phối. Hỗ trợ xây dựng trung tâm công nghệ, vườn ươm giống hoa, trạm bảo quản và sơ chế hoa hiện đại.

Thứ tư, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu. Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua thương mại điện tử, hệ thống phân phối hiện đại, kết hợp du lịch sinh thái. Đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, xây dựng thương hiệu quốc gia cho hoa Việt Nam. Nghiên cứu hình thành một mạng lưới liên kết - một liên minh sàn giao dịch hoa cây cảnh quốc gia, có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu với các sàn giao dịch lớn trong khu vực và thế giới.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị. Tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng sản xuất, tạo hình, chăm sóc hoa, cây cảnh cho nông dân và nghệ nhân. Xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về hoa cây cảnh tại các trường đại học, cao đẳng. Phát huy vai trò của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hội nghề nghiệp trong đào tạo và tư vấn chính sách phát triển ngành.

Festival hoa, cây cảnh VNUA năm 2025 kéo dài từ 10 - 18/5 gồm chuỗi sự kiện:

- Triển lãm và ra mắt sàn đấu giá, thương mại điện tử hoa, cây cảnh VNUA;

- Lễ khai trương Viện Sinh vật cảnh VNUA;

- Lễ khai mạc Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 và Hội thảo quốc gia về phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam;

- Hội thảo quốc tế: “Đổi mới công nghệ giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu”;

- Hội chợ việc làm và kết nối doanh nghiệp VNUA 2025; Ngày hội Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo VNUA 2025...

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, Festival năm nay không đơn thuần là không gian trưng bày vẻ đẹp của hoa, cây cảnh và sản phẩm nghệ nhân mà còn hướng đến trở thành một sự kiện chiến lược thúc đẩy phát triển ngành kinh tế hoa - cây cảnh, gắn với hiện đại hóa nông nghiệp, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Hà Lan