Giải đáp pháp luật

Việc tạm giam người chưa thành niên được thực hiện như thế nào?

Thái Yến 12/05/2025 11:35

Bạn Ngọc Long (Hà Nội) hỏi: Việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên theo Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 được thực hiện như thế nào?

1(1).jpg
Hình ảnh minh họa/ITN

Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn cho nội dung câu hỏi này như sau:

Căn cứ Điều 138 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 quy định về áp dụng biện pháp tạm giam người chưa thành niên, Cụ thể:

- Tạm giam có thể áp dụng đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội hoặc có căn cứ xác định người này tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để tiếp tục phạm tội; có hành vi tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

- Tạm giam có thể áp dụng đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

- Tạm giam có thể áp dụng đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có căn cứ xác định người này sẽ bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có căn cứ xác định người này tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

- Có thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo không quá một phần hai thời hạn tạm giam tương ứng quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 151 của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024. Khi không còn căn cứ để tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Trường hợp người chưa thành niên là bị can, bị cáo đang bị tạm giam mà có thông báo áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tiếp tục tạm giam hoặc hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Thái Yến