Địa phương

Quảng Ngãi và Kon Tum thảo luận phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ

Tấn Tài 12/05/2025 10:55

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum đã tập trung thảo luận các phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp, sáp nhập 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

Chiều 11.5, tại TP. Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức buổi làm việc định kỳ lần 2 thảo luận, cho ý kiến một số nội dung triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030.

a-04.jpg
Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn về sáp nhập tỉnh lần 2

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đồng chủ trì buổi làm việc.

Bố trí chỗ ở cho cán bộ

Tại buổi làm việc, một nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo là phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.

Theo báo cáo của UBND Tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 1.101 cán bộ, công chức, người lao động. Trong đó, có 116 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý. Qua khảo sát, có 104 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý có nhu cầu bố trí nhà ở công vụ, 991 người có nhu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà.

a-01.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại hội nghị.

Để bảo đảm chỗ ở ổn định, thuận tiện cho cán bộ, công chức, người lao động tỉnh Kon Tum xuống Quảng Ngãi làm việc sau sắp xếp, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp.

Qua rà soát, có 4 cơ sở nhà, đất dự kiến bố trí làm nhà ở công vụ, gồm: Nhà ở A3 Tỉnh ủy, Nhà khách T50, Ký túc xá Trường Chính trị tỉnh và Trụ sở làm việc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp Nông dân - phụ nữ tỉnh.

Theo phương án này, lãnh đạo là Thường trực Tỉnh ủy dự kiến bố trí ở tại Khách sạn Cẩm Thành hoặc Nhà khách A3; cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự kiến bố trí ở tại Nhà khách T50; Tỉnh ủy viên dự kiến được bố trí chỗ ở tại Ký túc xá Trường Chính trị tỉnh và Nhà khách T50. Những cán bộ lãnh đạo còn lại dự kiến bố trí nhà ở tại Trụ sở làm việc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp Nông dân - phụ nữ tỉnh và Ký túc xá Trường Chính trị tỉnh.

Cũng theo phương án này, tỉnh dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà 2 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này được áp dụng trong 2 năm. Sau đó, tỉnh Quảng Ngãi sẽ căn cứ tình hình thực tế và các quy định liên quan để có chính sách mới phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quan tâm bố trí nơi ở hợp lý để đội ngũ cán bộ từ tỉnh Kon Tum yên tâm công tác. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội, tạo điều kiện để cán bộ có thể mua nhà, ổn định cuộc sống tại nơi làm việc mới.

Tính phương án lập cơ sở 2 ở thành phố Kon Tum

Một vấn đề khác được nêu ra tại hội nghị là thành lập cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (cũ)), sau sáp nhập. Theo lãnh đạo tỉnh Kon Tum, với địa hình đồi núi, khoảng cách giữa TP. Kon Tum và TP. Quảng Ngãi hiện nay lên đến 200km, việc đi lại rất khó khăn.

a-03.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị phát biểu.

Do đó, phía Kon Tum đề xuất tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều hành, phối hợp công việc trong giai đoạn đầu sau sáp nhập. Việc thành lập cơ sở 2 của tỉnh mới tại TP. Kon Tum hiện tại sẽ giảm áp lực di chuyển cho cán bộ và thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng, việc thành lập cơ sở 2 của tỉnh mới trong giai đoạn đầu phù hợp chủ trương của Trung ương; khi ổn định trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thì chuyển về Trung tâm hành chính của tỉnh mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh thống nhất với ý kiến thành lập cơ sở 2 trong giai đoạn đầu sáp nhập tỉnh đặt ở TP. Kon Tum.

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về Phương án tổng thể sắp xếp cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thảo luận về số lượng đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, về phương án tổng thể sắp xếp cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, mỗi tỉnh chủ động trong phương án sắp xếp cán bộ của mình bảo đảm tiêu chí, nguyên tắc theo quy định. Đồng thời, thống nhất số lượng đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới), nhiệm kỳ 2025 - 2030 là 450 đại biểu.

a-06.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Về sắp xếp nhà ở công vụ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi lắng nghe toàn bộ ý kiến của các đại biểu; quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất trong công tác, nơi ăn nghỉ cho cán bộ Kon Tum về Quảng Ngãi để cán bộ yên tâm công tác.

Yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, trình HĐND tỉnh Quảng Ngãi bảo đảm theo đúng quy định; chỉ đạo rà soát lại tất cả tài sản công tỉnh đang có, các cơ sở có tính chất nhà ở của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn hiện không sử dụng để có phương án sửa chữa, sử dụng bố trí bảo đảm nơi ở cho cán bộ từ tỉnh Kon Tum xuống.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, việc sáp nhập mở ra nhiều cơ hội, tạo lợi thế phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi (mới). Do đó, mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá hoàn toàn phù hợp và có cơ sở.

Hiện, quy mô nền kinh tế của Quảng Ngãi khá lớn, đứng thứ 24 trong cả nước; địa phương đang tập trung xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; tập trung nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2; tập trung hoàn thành dự án Thép Hòa Phát Dung Quất 2 và đang triển khai xây dựng dự án Thép chất lượng cao phục vụ cho cao tốc đường sắt…

Vì vậy, quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi (mới) sẽ rất lớn, kỳ vọng sẽ đạt khoảng 133 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch.

Tấn Tài