Kinh tế

Ngành nông nghiệp lên kế hoạch tiêu thụ hơn 300 nghìn tấn vải thiều

Hạnh Nhung 12/05/2025 10:05

Sản lượng vải năm 2025 dự kiến tăng 30% là tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp. Ngành sẽ chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, chuẩn bị kế hoạch từ khâu thu hoạch, bảo quản chế biến đến tiêu thụ, bảo đảm vụ vải năm nay thắng lớn.

Doanh nghiệp mong được hỗ trợ vốn và logistics

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hạnh Nhung

Ngày 11.5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã cùng đoàn công tác của Bộ làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về thúc đẩy xuất khẩu vải thiều.

Hiện nay, vải thiều được trồng tập trung ở một số tỉnh miền Bắc gồm: Bắc Giang (29.700 ha), Hải Dương (8.800ha), Hưng Yên (1.379ha), Lạng Sơn (1.401 ha), Quảng Ninh (1.370ha), Sơn La (315 ha) và rải rác ở một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk (2.046ha).

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, diện tích vải thiều toàn tỉnh khoảng 29.700 ha, trong đó vải sớm 8.000 ha, chiếm 27% diện tích, vải chính vụ 21.700 ha, chiếm 73% diện tích. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 16.000 ha, diện tích vải được cấp chứng nhận GlobalGAP 204 ha; diện tích vải đạt tiêu chuẩn hữu cơ 10 ha. Năm 2025 dự kiến sản lượng vải đạt trên 165.000 tấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đi khảo sát tại vườn vải xã Đức Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đi khảo sát tại vườn vải xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hạnh Nhung

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất 240 mã số vùng trồng vải với diện tích 17.421 ha phục vụ xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan, Nhật Bản (năm 2025 cấp mới bổ sung 3 mã vùng trồng vải sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với diện tích 30 ha, sản lượng ước khoảng 250 tấn). Duy trì 40 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đảm bảo đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, dự báo tình hình thời tiết từ nay đến cuối vụ vải thiều còn gặp nhiều khó khăn (nắng nóng gây cháy quả, ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng quả thời điểm thu hoạch). Các đối tượng sâu bệnh gây hại cuối vụ… cũng tạo áp lực cho tiêu thụ sản phẩm.

Để góp phần tăng sản xuất, tiêu thụ thành công vụ vải thiều năm 2025, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ hỗ trợ, định hướng tỉnh triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến trong chỉ đạo, dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm nay.

Đồng thời, chỉ đạo các Viện, trường nghiên cứu tạo ra các giống vải yêu cầu ít khắt khe về nhiệt độ thấp để ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều kiện thời tiết có xu hướng nóng lên; chọn tạo các giống vải mới có năng suất, chất lượng...

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần MOVA Plus (Bắc Giang) cho biết, năm nay sản lượng vải của công ty là 500 tấn, trong 5 năm đặt mục tiêu đạt sản lượng 5.000 tấn. Tuy nhiên, khi tăng sản lượng lên 5.000 tấn thì chi phí cũng sẽ tăng cao, doanh nghiệp rất mong muốn Bộ, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ về ưu đãi vốn, tín dụng. Bên cạnh đó, quả vải thời gian bảo quản ngắn, do đó doanh nghiệp cũng đề xuất được hỗ trợ về chi phí logistics.

Vườn vải tại xã Đức Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Vườn vải tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hạnh Nhung

Theo ông Ngô Văn Cường, chủ vườn vải ở xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, vải thu hoạch thường xuất khẩu đi các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ. Ông mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư chăm sóc cây trồng, mở rộng quy mô diện tích vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Giám đốc Điều hành, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu Nguyễn Đức Hưng cho biết, doanh nghiệp đang tập trung sản phẩm vải tươi và đông lạnh xuất khẩu, hy vọng Bộ Nông nghiệp và Môi trường có sự quan tâm, giới thiệu thêm thị trường cho doanh nghiệp.

Sản lượng dự kiến đạt hơn 300 nghìn tấn

Ảnh vải
Ngành nông nghiệp lên kế hoạch từ sớm, từ xa cho sản phẩm vải thiều. Ảnh: Hạnh Nhung

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến, sản lượng thu hoạch vải năm 2025 là 303.000 tấn; trong đó Bắc Giang 165.000 tấn, Hải Dương 60.000 tấn, Hưng Yên 22.000 tấn, Lạng Sơn khoảng 22.000 tấn, Đắk Lắk 21.000 tấn, Quảng Ninh 8.000 tấn, Sơn La khoảng 5.000 tấn,

Niên vụ 2025 được đánh giá là trúng mùa, sản lượng tăng khoảng 30% so với năm 2024. Nguyên nhân do điều kiện thời tiết thuận lợi trong thời kỳ phân hóa mầm hoa và ra hoa, đậu quả; sinh vật gây hại được kiểm soát tốt.

Hiện thời gian thu hoạch vụ vải tương đối ngắn và khá tập trung, thông thường sẽ chia làm 2 giai đoạn: vải sớm (từ 20/5 đến 10/6), vải chính vụ (từ 10/6 đến 25/7). Từ nay đến cuối vụ, nông dân cần tập trung theo dõi và xử lý sâu đục cuống vải; có biện pháp xử lý ngay nếu nắng nóng kéo dài vào thời gian chuẩn bị thu hoạch và thu hoạch.

Để đảm bảo vụ vải thành công, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo từ đầu vụ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục cuống quả – mối đe dọa lớn đối với năng suất. Công tác giám sát an toàn thực phẩm cũng được chú trọng.

Hiện tại, có 469 mã số vùng trồng với diện tích hơn 19.300 ha và 55 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phép, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Nhật Bản, và Hoa Kỳ. Các khu vực này đang được giám sát chặt chẽ và sẵn sàng cho niên vụ 2025.

Về chế biến, phần lớn sản lượng vải (khoảng 97%) được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, trong khi chỉ khoảng 3% được chế biến sâu thành nước ép, đông lạnh hoặc đóng hộp. Các cơ sở sấy khô và doanh nghiệp chế biến đã hoàn tất chuẩn bị, sẵn sàng đón mùa vụ. Công tác kiểm dịch thực vật cũng được đẩy mạnh, với 3 cơ sở chiếu xạ và 3 cơ sở xông hơi khử trùng được phê duyệt bởi các nước nhập khẩu.

Từ niên vụ 2025, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam tự giám sát quá trình xử lý, thay vì cử chuyên gia sang trực tiếp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho nông dân và doanh nghiệp.

Nhằm đẩy mạnh thu hoạch chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu cần chủ động rà soát, có các kịch bản tiêu thụ trong mọi tình huống, bảo đảm đầu mối tiêu thụ vận hành thông suốt.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã và đang chủ động cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể từ trước và đặc biệt là trong chính vụ thu hoạch; từ khâu thu hoạch rồi bảo quản chế biến và tiêu thụ. Trong đó, Bộ đã hướng dẫn hỗ trợ các địa phương chuẩn bị điều kiện hạ tầng cho việc thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, đặc biệt là bảo quản vải tươi để bảo đảm không bị áp lực trong thời điểm chín vụ.

Bộ cũng triển khai các hoạt động phối hợp chuyên gia các nước nhập khẩu, các cơ quan hải quan tại các cửa khẩu để tiến hành hoạt động tiền kiểm cũng như mở luồng xanh cho các mặt hàng vải xuất khẩu tại các cửa khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp địa phương để hướng dẫn doanh nghiệp, hộ nông dân thực hiện hoạt động kết nối trong tiêu thụ quả vải trong và ngoài nước. Đặc biệt, ưu tiên cho các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ cũng duy trì các đầu mối để cung cấp thông tin về thị trường và các thông tin cần thiết liên quan cho doanh nghiệp và người dân chủ động trong thu hoạch và tiêu thụ.

Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp nâng cao năng lực tạm trữ thông qua hệ thống kho lạnh, nâng cao quy mô sản phẩm vải chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.

Hạnh Nhung