Quốc hội và Cử tri

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013:Rất hợp lòng dân, tạo động lực phát triển mới

Lê Bình thực hiện 12/05/2025 06:33

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này rất hợp lòng dân, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tinh gọn bộ máy, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

- Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ông đánh giá như thế nào về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này?

- Chúng ta đã trải qua một số lần sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, Hiến pháp năm 1992 là bản hiến pháp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp năm 2013 là bước phát triển tiếp theo của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Nghĩa Đức

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Việc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, giảm biên chế có ý nghĩa rất lớn, vì khi chi ngân sách cho bộ máy giảm đi, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển. Thực tế, sau gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, đạt được nhiều thành tích. Song, nhu cầu chi cho an sinh xã hội ngày càng lớn. Nếu tới đây triển khai thực hiện chính sách miễn lệ phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội toàn dân… cũng sẽ đòi hỏi lượng kinh phí không nhỏ. Chưa kể, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở xã hội…, đặc biệt là chăm lo để người dân có mức sống cao hơn, chất lượng đời sống tốt lên.

Và, điều đáng trân trọng là lần sửa đổi này được thực hiện với tinh thần mở - lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, sử dụng công nghệ số, như nền tảng VNeID để bảo đảm tính dân chủ, toàn diện, và thực chất trong tình hình mới.

- Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Ông đánh giá như thế nào về sửa đổi này?

- Điều 9 Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung theo hướng khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… Việc xác định MTTQ Việt Nam là “một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” đã thể chế hóa rõ hơn nội dung Cương lĩnh chính trị năm 2011 và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cương lĩnh đã khẳng định “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ phương thức: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.

Như vậy, quy định mới này không chỉ khẳng định rõ địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam là một trong ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, mà còn nhấn mạnh vai trò trung tâm, liên kết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ về vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; chăm lo đời sống đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức công dân và thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Nhìn toàn diện, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 84 của Hiến pháp năm 2013 đã nâng tầm vị thế, vai trò của đối với MTTQ Việt Nam, với công tác giám sát, phản biện trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và những văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Qua lắng nghe ý kiến cử tri và người dân, ông nhận thấy sự hưởng ứng của người dân với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này như thế nào?

- Qua theo dõi và tiếp nhận trực tiếp ý kiến của cử tri, tôi nhận thấy, người dân và cử tri rất đồng tình, hưởng ứng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này. Bởi, những thay đổi không chỉ nhằm khắc phục những bất cập của thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều cử tri đã chia sẻ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này đã phản ánh đúng đắn nguyện vọng của mình. Cử tri và người dân cũng đang trông chờ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, vì giúp giảm số lượng các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, từ đó tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

Hơn nữa, khi quy mô tỉnh được mở rộng, năng lực tổ chức và điều hành của bộ máy chính quyền địa phương cũng được nâng cao. Các quyết sách sẽ được hoạch định trên cơ sở tổng thể và dài hạn hơn, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của vùng liên kết. Các đơn vị hành chính sau sáp nhập có điều kiện tổ chức lại hệ thống hạ tầng, dịch vụ công, tạo ra lợi thế về quy mô, tránh tình trạng chồng chéo trong chỉ đạo và điều phối.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện