Địa phương

Long An sắp xếp bộ máy - quyết tâm lớn, đồng thuận cao, mở đường phát triểnHội tụ di sản lịch sử, tầm nhìn tương lai

KIỀU BẢO 12/05/2025 06:12

Việc hợp nhất tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương giàu truyền thống và năng động về kinh tế. Với vị trí chiến lược giáp TP. Hồ Chí Minh và Campuchia, cùng cơ cấu kinh tế tương đồng, hạ tầng phát triển nhanh và tinh thần cách mạng kiên cường, việc sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, tối ưu nguồn lực mà còn mở ra dư địa lớn cho đầu tư, liên kết vùng và phát triển bền vững.

Đây là bước chuyển quan trọng, hướng tới mô hình quản trị hiện đại, linh hoạt và hiệu quả hơn cho vùng đất hội tụ di sản lịch sử và tầm nhìn tương lai.

Di sản lịch sử, tầm nhìn phát triển vùng

Theo Đề án sắp xếp tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh đã được HĐND tỉnh Long An thông qua trình Chính phủ, việc sáp nhập tỉnh Long An và Tây Ninh là bước đi cần thiết nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tiết kiệm ngân sách, giảm đầu mối quản lý và tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Sau khi thành lập, tỉnh mới có diện tích tự nhiên 8.536,44km2, quy mô dân số 3.254.170 người. Long An và Tây Ninh có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, địa lý và lịch sử hình thành, đều nằm ở vị trí chiến lược kết nối TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và Campuchia. Việc sắp xếp lại giúp mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô kinh tế, nâng tầm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao - logistics và du lịch biên giới.

3.jpg
Việc hợp nhất tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh là bước đi chiến lược mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh

Việc đặt tên tỉnh mới là Tây Ninh kế thừa lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời; gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng; giúp bảo tồn giá trị lịch sử, thể hiện sự kế thừa truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và tinh thần kiên cường của vùng đất anh hùng; giúp tỉnh mới tiếp tục duy trì và phát huy thương hiệu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thu hút đầu tư, mở rộng giao thương quốc tế và khẳng định vị thế của tỉnh mới trong khu vực.

Trong lộ trình xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiện đại, tỉnh Long An đã đề xuất sắp xếp toàn bộ 186 đơn vị hành chính cấp xã giảm xuống còn 60 xã, phường, hướng đến mở rộng không gian phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biên giới, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái và dịch vụ - đặc biệt ở các địa phương giáp ranh Campuchia. Đây là bước đi đồng bộ, thể hiện quyết tâm cải cách toàn diện hệ thống chính quyền địa phương của Long An, tạo nền tảng cho việc hợp nhất tỉnh với Tây Ninh và vận hành mô hình chính quyền hai cấp hiệu quả hơn trong tương lai.

Đặt trung tâm hành chính - chính trị tỉnh mới tại thành phố Tân An, tỉnh Long An giúp bộ máy chính quyền nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả. Với hạ tầng sẵn sàng: Tân An đã hoàn thiện nhiều hạng mục chính của Trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh Long An, đủ đáp ứng hoạt động của cơ quan cấp tỉnh mới. Vị trí chiến lược: Tân An nằm trên trục giao thông huyết mạch, kết nối TP. Hồ Chí Minh, miền Tây và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là điểm trung chuyển chiến lược, thuận lợi để tổ chức điều hành tỉnh mới và thúc đẩy liên kết vùng.

Trung tâm đô thị - kinh tế năng động: Là đô thị loại II, Tân An sở hữu hạ tầng thương mại - dịch vụ, giáo dục, y tế phát triển đồng bộ; có cụm công nghiệp, logistics và vai trò kết nối sản xuất - tiêu dùng giữa Đông và Tây Nam Bộ. Cùng với đó, theo quy hoạch và các nghị quyết chiến lược, Long An là trung tâm công nghiệp - logistics, cửa ngõ vùng, đóng vai trò trọng điểm trong phát triển bền vững và kinh tế số. Việc chọn Tân An là bước đi chiến lược, phù hợp cả trước mắt và lâu dài.

Bước đi chiến lược tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển

Cảng quốc tế Long An với nhiều tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai

Theo đánh giá tác động, việc hợp nhất hai tỉnh Long An và Tây Ninh không chỉ giúp giảm đầu mối quản lý, tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, mà còn tiết kiệm đáng kể chi ngân sách thường xuyên. Cùng với đó, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, đội ngũ cán bộ được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp yêu cầu đổi mới quản trị hiện đại.

Trên bình diện phát triển, sự sáp nhập mở rộng không gian phát triển toàn diện, tạo điều kiện tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, hạ tầng - từ đó thúc đẩy đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công, mở rộng quy mô kinh tế và gia tăng sức hút FDI. Nền nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch... có điều kiện phát triển mạnh, đồng bộ và bền vững hơn. Các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân cũng được cải thiện rõ nét. Đồng thời, đây là cơ hội thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển dịch vụ công trực tuyến, kết nối hạ tầng vùng và lan tỏa các mô hình quản lý hiệu quả - tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Cảng quốc tế Long An với nhiều tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai

Việc sáp nhập tỉnh Long An và Tây Ninh bước đầu có thể phát sinh một số thách thức như: dư thừa hoặc thiếu hụt nhân sự cục bộ; áp lực hạ tầng, dân số và dịch vụ công; chi phí và tác động đến chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu của các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tâm lý người dân có thể bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi địa danh truyền thống, khó khăn trong di chuyển, bố trí nơi làm việc - nhất là đối với cán bộ công tác xa trung tâm hành chính mới. Những vấn đề này cần được lường trước và giải quyết đồng bộ, bảo đảm bộ máy nhanh chóng ổn định, hoạt động hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

KIỀU BẢO