Chính trị

Khơi thông động lực phát triển cho doanh nghiệp

Diệp Anh 10/05/2025 22:16

Tại phiên thảo luận tổ, chiều 10/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các ĐBQH Đoàn Nghệ An cho rằng, luật cần được tiếp cận toàn diện nhằm khơi thông động lực phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tránh tạo thêm gánh nặng trong quá trình chuyển đổi.

Làm rõ khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi”

Phát biểu tại tổ, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh: dự thảo Luật lần này chủ yếu tập trung vào hai nhóm nội dung gồm các quy định về phòng, chống rửa tiền và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đây là những nội dung cấp bách, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bị Tổ chức FATF đưa vào danh sách giám sát tăng cường, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và dòng vốn FDI… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để thực sự thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, cần tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp, bởi đây là đạo luật khung then chốt cho khu vực kinh tế tư nhân.

z6587957283602_e8905ef7095a57e61700c5080baf107d.jpg
z6587957253353_0473c54857eeaab612434094e99b54f3.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đại biểu, hiện nay, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã đặt ra nhiều định hướng cải cách như giảm 30% thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng các nội dung này chưa được thể hiện rõ trong dự thảo lần này... Do đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ sớm trình phương án sửa đổi tổng thể Luật Doanh nghiệp để thể chế hóa đầy đủ các định hướng lớn đã nêu.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị làm rõ khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” - một nội dung quan trọng trong phòng, chống rửa tiền. Theo đại biểu, quy định này còn khái quát, chưa xác định rõ tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ để được coi là chủ sở hữu hưởng lợi, trong khi thông lệ quốc tế thường lấy mốc 25%. Bên cạnh đó, việc yêu cầu tất cả doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi có thể gây áp lực không cần thiết. Do vậy, cần phân định đối tượng áp dụng để đảm bảo tính khả thi.

z6587957264842_bb3349baa5ed65efc67749e57af90bbc.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Đối với hành vi “khai khống vốn điều lệ”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: cần quy định rõ mốc thời gian góp vốn để tránh việc doanh nghiệp mới thành lập, chưa kịp góp đủ vốn đã bị coi là khai khống, gây rủi ro pháp lý. Đồng thời, liên quan đến điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ, đại biểu đồng thuận với quy định hạn chế doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu nếu nợ phải trả vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, nhưng cần cân nhắc lại tỷ lệ này để không ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị rà soát lại quy định về viên chức được góp vốn, thành lập doanh nghiệp. “Dự thảo hiện chỉ áp dụng với viên chức đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học công lập, trong khi Nghị quyết 193 của Quốc hội và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đều đã xác định mở rộng cho viên chức tại các tổ chức khoa học, công nghệ công lập. Do đó, Luật cần được điều chỉnh để bảo đảm thống nhất và đầy đủ hóa các chính sách hiện hành”, đại biểu nhấn mạnh.

Đề nghị bổ sung tình trạng “mất khả năng thanh toán tạm thời”

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Bình nhấn mạnh: việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp không chỉ đáp ứng các yêu cầu quốc tế liên quan đến danh sách giám sát về phòng, chống rửa tiền; mà còn phải hướng tới việc tạo hành lang pháp lý dài hạn, khơi thông động lực phát triển kinh tế tư nhân.

z6587957268699_fdf00c5901059cd93daf1c7b95c12bcd.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Bình phát biểu. Ảnh: Nghĩa Bình

Góp ý cụ thể về phần giải thích từ ngữ liên quan đến tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: hiện, dự thảo đang liệt kê “tạm ngừng kinh doanh” lên trước “đang hoạt động”, là chưa hợp logic. Do đó, đại biểu đề nghị cần sắp xếp lại các tình trạng theo trình tự hình thành – hoạt động – gặp khó khăn – xử lý, để phản ánh đúng tiến trình vận hành của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đại biểu Phạm Phú Bình cũng kiến nghị bổ sung tình trạng “mất khả năng thanh toán tạm thời” trong hệ thống tình trạng pháp lý doanh nghiệp.

“Thực tế hiện nay, những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đang được điều chỉnh theo Luật Phá sản, điều này chưa hợp lý vì không phải trường hợp nào mất khả năng thanh toán cũng dẫn đến phá sản. Nhiều quốc gia đã có quy định riêng để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục thay vì đẩy nhanh vào quy trình phá sản. Việc có cơ chế pháp lý riêng sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn dòng tiền, bảo vệ người lao động, chủ nợ và các bên liên quan”, đại biểu nêu rõ.

z6587957255520_eba6e8109ffc8cc6dad861591200bad7.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị tiến tới sửa đổi cả Luật Phá sản (kể cả tên gọi) theo hướng chuyển từ xử lý hậu quả sang hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp lành mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất xem xét lại sự thống nhất giữa Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành khác (Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn…). Theo đại biểu, hiện nay, khi xây dựng quy hoạch, có quy định dẫn chiếu việc phân loại đô thị để làm căn cứ thực hiện các quy định liên quan đến quản lý đất đai và bất động sản. Ví dụ, Luật Kinh doanh bất động sản chỉ cho phép phân lô bán nền tại các đô thị loại III trở xuống, nhưng thực tế, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính khiến cho việc xác định loại đô thị trở nên phức tạp… Do đó, cần có quy định chuyển tiếp phù hợp, đặc biệt là khi từ ngày 1.7.2025, mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ chuyển sang 2 cấp (tỉnh và cơ sở), không còn cấp huyện như hiện nay.

Diệp Anh