Làm rõ chức năng, nhiệm vụ Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Chức năng, nhiệm vụ Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tường minh hơn, bảo đảm không chồng lấn với các lĩnh vực mà các quỹ khác đang thực hiện.

Thảo luận tại Tổ 19 (gồm các Đoàn ĐBQH Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) chiều 10/5, các ĐBQH nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế sau 15 năm thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
Tại khoản 2 Điều 1 quy định về bổ sung khoản 6 Điều 5: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc bổ sung chính sách này là phù hợp, mang tính định hướng, thống nhất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
.jpg)
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, nếu đã mang tính bắt buộc thì cần phải quy định cụ thể thêm như: Chỉ tiêu bắt buộc là bao nhiêu đối với từng lĩnh vực, địa phương do mỗi lĩnh vực, địa phương có tính đặc thù riêng? Trách nhiệm của các đơn vị, địa phương khi không đạt chỉ tiêu này như thế nào? Đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có phải là một chỉ tiêu bắt buộc hay không.
Về chỉnh sửa cụm từ "UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương" thành "UBND cấp tỉnh" tại khoản 11, khoản 16 Điều 1 cũng như các điều khoản khác để thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát với các luật có liên quan nhất là các luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này như Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... để thống nhất thực hiện.

Liên quan đến Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại khoản 17 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 41), theo Bộ Công thương, tại đề án thành lập quỹ đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) rất tán thành việc thành lập quỹ này, nhưng chức năng nhiệm vụ cần tường minh hơn để bảo đảm không chồng lấn với các lĩnh vực nội hàm mà các quỹ khác đang thực hiện.
Bên cạnh đó, một số ưu đãi mà dự thảo Luật đang thể hiện tại quỹ này không gắn với chức năng nhiệm vụ của quỹ. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát thêm, bảo đảm không chồng chéo.
.jpg)
Băn khoăn về tên gọi của dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) cho biết, hiện nay các cơ quan đang thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 55 để có giải pháp mạnh mẽ hơn cho an ninh năng lượng.
Dự báo năng lượng sẽ bị thiếu, đặc biệt là điện. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là vừa phải tiết kiệm, vừa phải sử dụng hiệu quả. Do đó, đại biểu đề xuất, tên Luật nên đổi theo hướng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thay vì “tiết kiệm và hiệu quả”; bởi “tiết kiệm, hiệu quả” sẽ mang lại hàm ý rộng hơn, có tính chất bao quát hơn rất nhiều, đáp ứng tốt thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần tính toán lại phạm vi điều chỉnh và bổ sung quy định cần thiết đặc biệt liên quan đến nội hàm hiệu quả của năng lượng.

Cũng cho ý kiến về tên gọi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất, nên thay từ “tiết kiệm” thành “hợp lý” hoặc là sử dụng hiệu quả. Bởi, bản thân từ tiết kiệm đã mang tính kêu gọi, tiết kiệm cũng đã là hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cần đánh giá thêm về việc dán nhãn năng lượng và đề nghị bỏ Quỹ quốc gia phát triển năng lượng bền vững. Thực tiễn, lâu nay việc sử dụng quỹ này không có hiệu quả, việc hình thành quỹ cũng chưa rõ về cơ chế tài chính, đóng góp ra sao, ngân sách thế nào.
Liên quan đến biện pháp quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện thiết bị và dán nhãn năng lượng, ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho biết, khoản 15 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 37 của Luật hiện hành quy định: dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng.
.jpg)
Khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi khoản 1, khoản 3 điểm a và điểm d khoản 4, bổ sung khoản 5 Điều 39 của Luật hiện hành quy định: phương tiện, thiết bị vật liệu xây dựng thuộc danh mục phương tiện thiết bị vật liệu xây dựng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường.
Qua so sánh, đại biểu cho rằng, hai khoản này chưa thống nhất, vì theo như khoản 15 Điều 1 thì việc dán nhãn năng lượng được áp dụng trong mọi phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng. Nhưng tại khoản 16 Điều 1 chỉ áp dụng cho phương tiện thiết bị, vật liệu xây dựng thuộc danh mục phương tiện thiết bị vật liệu xây dựng phải dán nhãn năng lượng.
Do đó, để phù hợp với thực tế, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị không nên áp dụng đại trà cho mọi phương tiện thiết bị vật liệu; nên sửa khoản 15 Điều 1 thành: dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng thuộc danh mục phải dán nhãn năng lượng.