TP. Hồ Chí Minh ráo riết lên phương án siết chặt công tác quản lý mỹ phẩm
Trước tình trạng các sản phẩm mỹ phẩm bị quảng cáo, thổi phồng so với thực tế, ngành y tế TP. HCM vừa phát đi công văn chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm trên địa bàn.
Nội dung văn bản nêu rõ, động thái chấn chỉnh lần này nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng đang len lỏi trên thị trường.
Cụ thể, văn bản của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo toàn ngành, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sản phẩm bị thổi phồng công dụng, gây nhầm lẫn là thuốc điều trị, thậm chí sử dụng hình ảnh nhân viên bác sĩ để quảng bá trái phép.
Về chuyên môn, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức được yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý mỹ phẩm đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm tuân thủ quy định pháp lý.

Song song đó, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, như: kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng xách tay, hàng giả, chưa có số tiếp nhận phiếu công bố, hoặc thay đổi thông tin sản phẩm trái phép mà không thông báo với cơ quan quản lý.
Đáng chú ý, hành vi quảng cáo vượt quá công dụng, dễ gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh hoặc ngừa bệnh sẽ bị xử lý nghiêm, nhất là khi doanh nghiệp tự ý gắn hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế vào nội dung quảng cáo. Toàn bộ sản phẩm nghi ngờ giả mạo, không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng sẽ bị thu hồi và tiêu hủy theo đúng quy định.
Về công tác quản lý nhà nước, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và quảng cáo mỹ phẩm phải chủ động rà soát lại hoạt động, đảm bảo sản phẩm phù hợp công thức đã công bố và có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
Doanh nghiệp nào không duy trì hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn cGMP-ASEAN hoặc vi phạm các điều kiện sau cấp phép sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, kèm theo hình phạt bổ sung là thu hồi phiếu công bố và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm.
Mỹ phẩm chỉ được lưu hành khi có nguồn gốc rõ ràng, công dụng đúng theo hồ sơ công bố và nội dung quảng cáo phải được duyệt trước.
Việc quảng cáo mỹ phẩm với những từ ngữ như “điều trị mụn”, “tái tạo da”, “đặc trị nám” hay “trị viêm da” là không đúng bản chất, dễ gây nhầm lẫn nghiêm trọng với thuốc điều trị - từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng sai mục đích.
Việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc tin vào quảng cáo sai lệch có thể khiến người dùng bị dị ứng, tổn thương hàng rào bảo vệ da, thậm chí gây biến chứng nhiễm trùng, tăng sắc tố sau viêm.
Thực tế thời gian qua, các phòng khám da liễu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận không ít trường hợp bị viêm da nặng sau khi sử dụng các loại kem trộn, serum “xách tay” được quảng bá tràn lan trên mạng xã hội như thuốc.
Động thái chấn chỉnh lần này cho thấy quyết tâm của ngành y tế thành phố trong việc lập lại trật tự thị trường mỹ phẩm, hướng đến một môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và có trách nhiệm.
Sở Y tế kêu gọi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái bằng cách chỉ chọn mua mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh tin vào các quảng cáo thổi phồng công dụng trên mạng và tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu khi gặp vấn đề về da, thay vì nghe theo lời mách nước từ các “thánh review” không có chuyên môn, nghiệp vụ... Bởi khi sức khỏe làn da bị tổn thương, cái giá phải trả không chỉ là tiền bạc mà còn là thời gian hồi phục và tâm lý kéo dài.