Địa phương

Bình dân học vụ số - cách làm ở Thanh HóaBài 1: Chuyện “học số” ở một xã vùng cao

Đào Cảnh 10/05/2025 07:13

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số” - 80 năm, một tinh thần khai trí không ngừng tiếp nối. Khởi nguồn từ phong trào xóa mù chữ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, tinh thần “Bình dân học vụ” được kế thừa, nâng tầm trong kỷ nguyên số, với sáng kiến “Bình dân học vụ số” do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động. Tại Thanh Hóa, tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng những cách làm quyết liệt, sáng tạo, từng bước phổ cập tri thức và kỹ năng số đến đông đảo người dân, hướng tới một xã hội số toàn diện.

1(2).jpg

Hơn một tháng trôi qua kể từ lớp “Bình dân học vụ số” đầu tiên ở xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được khai giảng, người dân nơi đây ban ngày lên nương rẫy, tối đến lại cùng nhau tập trung tại các nhà văn hóa thôn để tham gia “học số”. Dù trên nương rẫy hay lúc ở nhà, rảnh là người dân lại chia sẻ cho nhau những kiến thức, kỹ năng về công nghệ; ai cũng hào hứng, thích thú.

Kiên trì xóa tư tưởng “công nghệ không ăn được”

Cho đến khi đã mở thành công 4 lớp “Bình dân học vụ số”, chúng tôi mới nhìn thấy nụ cười thực sự rạng rỡ trên gương mặt của Bí thư Đoàn xã, Chủ nhiệm CLB công nghệ số xã Luận Thành Lương Ngọc Lai. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc các thành viên câu lạc bộ chuyển đổi số của xã đang hướng dẫn bà con thực hiện thao tác trên điện thoại và máy tính, anh Lai tâm sự: “Lúc đầu khi chúng tôi mới đi tuyên truyền về công nghệ số và vận động người dân tham gia lớp học, đa số người dân không quan tâm. Nhiều người còn nói rằng công nghệ là cái gì, có ăn được không, có giúp chúng tôi kiếm được tiền không"… Thế mà tới giờ chúng tôi đã tổ chức được 4 lớp với khoảng gần 300 người tham gia trực tiếp. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để tiếp tụcphổ biến công nghệ số ở xã”.

Lớp học Bình dân học vụ số ở xã Luận Thành được tổ chức vào các buổi tối để người dân có thể tranh thủ thời gian tham gia học. Ảnh: Mỹ Hạnh

Kể về quá trình “thay đổi nhận thức” cho người dân Luận Thành về ý nghĩa, giá trị công nghệ số mang lại, anh Lai chia sẻ, Luận Thành là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên họ ít dành thời gian quan tâm đến công nghệ. Do đó, khi tuyên truyền, vận động người dân, các thành viên trong CLB chuyển đổi số và tổ công nghệ số đã tập trung nói về những lợi ích thiết thực công nghệ số mang lại. Điển hình là việc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại và tích hợp các loại giấy tờ tùy thân như: căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Thành thạo ứng dụng này, người dân có thể xin giải quyết thủ tục hành chính từ xa mà không cần đến các trụ sở công quyền.

Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ công nghệ số, nhiều người dân xã Luận Thành không quản ngại vượt qua những tuyến đường rừng trong các buổi tối để đến tham dự lớp “Bình dân học vụ số”. Anh Lang Văn Hải ở thôn Tiến Hưng 1 vừa kết thúc 10 ngày học tại lớp “Bình dân học vụ số” đã rất thành thạo các thao tác trên điện thoại thông minh, đặc biệt là các ứng dụng số vừa được cài đặt. Anh Hải chia sẻ: “Tôi đã biết cài đặt các ứng dụng, tích hợp giấy tờ tùy thân và thực hiện các thao tác trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Hoạt động trong tổ tiết kiệm vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội, bây giờ tôi chuyển tiền, thu nộp lãi ngân hàng rất nhanh và tiện lợi, đi giao dịch tôi chỉ đếm tiền là xong, không phải kê khai nhiều loại giấy tờ nữa...”.

Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ bị tụt hậu

Bên cạnh khó khăn từ nhận thức của người dân, công cuộc phổ cập công nghệ số ở Luận Thành còn gặp không ít khó khăn từ những điều kiện khách quan. Điển hình như: xã miền núi nên địa hình phức tạp, người dân sống thưa thớt, nhiều gia đình không có điều kiện sử dụng mạng internet, nhiều người dân không có điện thoại thông minh, một số địa bàn không có sóng điện thoại… khiến các thành viên CLB chuyển đổi số và tổ công nghệ số đôi lúc cảm thấy nản và áp lực. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công nghệ số, Chủ nhiệm CLB chuyển đổi số, Bí thư Đoàn xã Luận Thành Lương Ngọc Lai đã cùng các thành viên trong CLB tìm những địa điểm học tập trung tại nơi có sóng điện thoại, chủ yếu là tại các nhà văn hóa. Bên cạnh đó, chủ động đến từng hộ dân để mời và thậm chí đèo người dân bằng xe máy đến điểm tập trung để tham gia lớp học.

2(2).jpg
Lớp học Bình dân học vụ số ở xã Luận Thành được tổ chức vào các buổi tối để người dân có thể tranh thủ thời gian tham gia học. Ảnh Mỹ Hạnh

“Người biết kèm người chưa biết, người có điện thoại kèm người không có điện thoại và thay nhau thao tác trên máy tính. Dần dần, người dân quen, thích nghi và biết cách sử dụng và hào hứng tìm hiểu về công nghệ” - anh Lai vui vẻ nói.

Ngoài 50 tuổi, điện thoại đối với chị Hà Thị Thủy ở thôn Cao Tiến từ trước đến nay chỉ dùng để nghe và gọi. Từ khi tham gia lớp “Bình dân học vụ số”, chị Thủy đã biết dùng điện thoại để thanh toán trực tuyến, vào mạng đọc các thông tin bổ ích, đặc biệt là thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Chị Thủy chia sẻ: "Tôi cũng nhiều tuổi rồi nhưng ở lớp học còn có cả những cụ ngoài 70 tuổi vẫn rất chịu khó nghe hướng dẫn rồi làm theo. Chúng tôi không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ không học thì sẽ thành người lạc hậu”. Đến nay, khoảng 90% người dân xã Luận Thành đã được tiếp cận, hiểu cơ bản về công nghệ và công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trong đó khoảng trên 50% người dân thuộc diện sử dụng thành thạo các nền tảng công nghệ số.

Phấn khởi với những kết quả bước đầu trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy xã Luận Thành Hà Huy Hiền chia sẻ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt là phong trào “Bình dân học vụ số”, Đảng ủy xã Luận Thành rất quan tâm chỉ đạo UBND xã, MTTQ và các hội đoàn thể, trong đó nòng cốt là đoàn thanh niên tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp học số, thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Chúng tôi đánh giá rất cao các thành viên của Tổ công nghệ số, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên, các bạn đã rất nhiệt huyết và kiên trì, vượt qua mọi khó khăn hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ số. Chúng tôi phấn đấu đến hết quý II.2025, toàn xã sẽ có khoảng 70% người dân sử dụng thành thạo điện thoại, các thao tác trên ứng dụng VNeID và một số ứng dụng cần thiết khác. Trong công cuộc chuyển đổi số, người yếu thế chính là những người cao tuổi, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa vào nhóm đối tượng này, không kể ngày đêm, có thời gian là chúng tôi triển khai các lớp học - ông Hiền khẳng định.

Lớp học “Bình dân học vụ số” ở xã Luận Thành chỉ là một trong số rất nhiều mô hình tốt, cách làm hay các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện khi triển khai phổ cập tri thức, kỹ năng số cho người dân. Qua những câu chuyện thực tế ở xã Luận Thành có thể thấy, để phổ cập tri thức số tới cộng đồng rất cần đội ngũ những cán bộ nhiệt huyết, gần dân, sát dân, thành thạo công nghệ. Đó là lý do vì sao hàng ngàn tổ công nghệ số cộng đồng đang trở thành cánh tay nối dài đắc lực trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” ở Thanh Hóa.

Đào Cảnh