Trao đổi

SGK Cánh Diều được đánh giá mang tinh thần đổi mới và sáng tạo vào từng bài giảng

Sơn Minh 09/05/2025 17:32

Sự chủ động trong lựa chọn sách giáo khoa giúp đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, tạo điều kiện để các em phát triển năng lực toàn diện.

Kể từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, hệ thống giáo dục và đào tạo đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, trong đó nổi bật là chủ trương cho phép sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong giảng dạy.

Trong số những bộ sách đang được triển khai trên cả nước, bộ sách giáo khoa Cánh Diều đồng hành cùng học sinh được nhiều giáo viên đánh giá như một điểm sáng với cách tiếp cận gần gũi với thực tế, nhiều ưu điểm nổi trội và khơi gợi hứng thú học tập, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng.

SGK Cánh Diều mở ra nhiều không gian để giáo viên sáng tạo linh hoạt

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thìn – giáo viên Trường Tiểu học Thượng Lan (tỉnh Bắc Giang) nhận định: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thể hiện rõ tinh thần dân chủ, linh hoạt và sự tôn trọng tính đa dạng trong tiếp cận tri thức.

Cụ thể, theo cô Thìn, việc xã hội hóa sách giáo khoa không chỉ đơn thuần là mở rộng nguồn tài liệu dạy và học, mà còn là thúc đẩy hiện đại hóa giáo dục. Chủ trương này giúp thầy cô có nhiều không gian hơn để sáng tạo, không còn chỉ là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả nhất.

Từ đó, việc dạy học không còn rập khuôn hay áp đặt, mà trở thành một quá trình tương tác năng động, gợi mở, giúp học sinh phát huy được khả năng tư duy, năng lực nhận thức và niềm hứng khởi trong học tập.

Cô Nguyễn Thị Thìn cùng các em học sinh Trường Tiểu học Thượng Lan (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: NVCC.

Theo nhận xét, đánh giá của cô Thìn, bộ sách giáo khoa Cánh Diều mang nhiều ưu điểm nổi bật. Trong đó cần kể đến tính dễ hiểu, dễ theo dõi và sự gần gũi với học sinh qua hệ thống bài tập rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý và tư duy tiếp nhận của các em.

Cấu trúc các bài học trong bộ sách được thiết kế khoa học, logic. Mỗi bài được chia thành nhiều nội dung nhỏ, rành mạch, giúp học sinh từng bước tiếp cận và đào sâu kiến thức một cách tự nhiên, không bị áp lực. Sau mỗi bài học sẽ có phần vận dụng linh hoạt, khéo léo gợi mở để các em hệ thống lại kiến thức đã học và liên hệ thêm với thực tiễn, từ đó rèn luyện kỹ năng tư duy và tự tìm tòi tri thức.

Về mặt hình thức, bộ sách Cánh Diều cũng ghi điểm nhờ cách trình bày sinh động, bắt mắt. Sách được in màu sắc tươi sáng, hài hòa, kết hợp với hệ thống tranh ảnh minh họa rõ nét, góp phần tạo cảm hứng học tập cho học sinh và hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Tiêu biểu như bài học “Thành phố Hồ Chí Minh” trong sách giáo khoa Cánh Diều môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 – một nội dung ý nghĩa được giảng dạy đúng vào thời điểm cả nước đang hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4. Cô Thìn chia sẻ, tiết học tổ chức trên lớp đã tích hợp linh hoạt giữa nội dung kiến thức được cung cấp trong sách giáo khoa với một số hoạt động đổi mới khác.

Sách Cánh Diều có thiết kế sinh động, màu sắc tươi sáng. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung trong sách giáo khoa Cánh Diều xây dựng được trình bày sinh động, góp phần giáo dục học sinh lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần tri ân thế hệ đi trước một cách tự nhiên, lắng đọng và đầy cảm xúc.

Xã hội hóa SGK là lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục

Còn theo thầy Trần Văn Hải - giáo viên trường Trung học cơ sở Hồ Nghinh (Đà Nẵng), mỗi giáo viên có phong cách và phương pháp giảng dạy riêng, và chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách lựa chọn sách giáo khoa. Bộ sách không chỉ là công cụ truyền đạt kiến thức, mà còn là nền tảng để giáo viên thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động học tập, xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá và định hướng phát triển năng lực cho học sinh.

Do đó, khi có nhiều sự lựa chọn, giáo viên có thể căn cứ vào đặc điểm dạy học tại trường, năng lực học sinh, cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị học tập để lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. Việc xã hội hóa sách giáo khoa mang lại nhiều thuận lợi thiết thực trong quá trình dạy học.

Thầy Trần Văn Hải - giáo viên trường Trung học cơ sở Hồ Nghinh (Đà Nẵng) cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC.

Nhận xét về bộ sách giáo khoa, thầy Hải cho biết sách Cánh Diều có tính khoa học và sư phạm, chú trọng kết nối kiến thức với thực tiễn cuộc sống. Nội dung được thiết kế theo hướng tích hợp liên môn, tạo điều kiện phát triển tư duy toàn diện cho học sinh. Sách cũng có tính linh hoạt cao, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Sách gây ấn tượng với thiết kế trực quan, sinh động, hấp dẫn. Cấu trúc bài học rõ ràng, dễ theo dõi cùng ngôn ngữ sử dụng dễ hiểu. Hệ thống hình ảnh và đồ họa được trình bày phong phú, đa dạng hóa kênh hình, góp phần tăng tính trực quan và hiệu quả tiếp thu. Các hoạt động học tập trong sách cũng mang tính tương tác cao, giúp học sinh hứng thú tham gia và chủ động trong quá trình học.

Như đối với bộ sách Cánh Diều môn Giáo dục thể chất, nội dung không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về kỹ thuật vận động mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng thực hành, hình thành thói quen vận động tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học.

Sách được thiết kế theo hướng tích hợp liên môn, có tính linh hoạt cao. Ảnh: website NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về vai trò của việc xã hội hóa sách giáo khoa, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, xã hội hóa sách giáo khoa là bước đi cần thiết để hiện đại hóa nền giáo dục, khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa không còn giữ vai trò như “pháp lệnh” mang tính bắt buộc và duy nhất trên toàn quốc. Thay vào đó, việc xã hội hóa sách giáo khoa mở ra cơ hội để các tổ chức, cá nhân cùng chung tay đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Mô hình này giúp huy động rộng rãi nguồn lực trí tuệ trong xã hội, tạo ra hệ thống học liệu đa dạng, có chất lượng, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm riêng của từng địa phương, từng nhóm học sinh, từ đó góp phần nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong dạy và học.

Việc xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa không chỉ là lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn mở ra một không gian đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ, góp phần định hình nền giáo dục linh hoạt.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới để đảm bảo tính đa dạng và sáng tạo trong giáo dục. Đây được đánh giá là bước đột phá thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn bằng xã hội hóa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. Việc thẩm định sách giáo khoa thông qua một Hội đồng thẩm định quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.

Sơn Minh