Khoa học - Công nghệ

Ấn Độ công bố hai giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới

Tiểu Phong 09/05/2025 16:14

Ấn Độ vừa công bố hai giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ CRISPR-Cas SDN-1, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước và giảm phát thải.

Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) chính thức giới thiệu hai giống lúa đột phá mang tên "Kamala – DRR Dhan-100" và "Pusa DST Rice 1" tại sự kiện ngày 4–5/5, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nông nghiệp Shivraj Singh Chouhan.

“Đây là bước tiến quan trọng giúp giảm sử dụng nước và cắt giảm khí thải nhà kính”, Bộ trưởng Chouhan khẳng định.

AN DoPicture1
Những giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên công bố tại Ấn Độ được xem như giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu hiện nay. Ảnh: ndtv.com

Giống lúa mới: Năng suất cao, ít nước, chống hạn tốt

Hai giống lúa được phát triển từ hai giống phổ biến tại Ấn Độ là Samba Mahsuri và Cottondora Sannalu, nhưng đã được cải tiến bằng công nghệ chỉnh sửa gen hiện đại CRISPR-Cas, không thêm gen ngoại lai. Những giống lúa này hứa hẹn sẽ tăng năng suất trên mỗi hecta lên đến 30% và có thể rút ngắn thời gian thu hoạch từ 15–20 ngày so với các giống hiện có.

Giống Kamala được chỉnh sửa gen Gn1a, giúp tăng số hạt trên bông, cho năng suất trung bình 5,37 tấn/ha, tiềm năng đạt 9 tấn/ha – vượt trội so với giống gốc (4,5 – 6,5 tấn/ha). Thời gian sinh trưởng cũng được rút ngắn từ 145 còn 130 ngày.

Giống Pusa DST Rice 1 tập trung vào khả năng chống chịu hạn, mặn nhờ chỉnh sửa gen DST. Trong điều kiện đất nhiễm mặn, giống này đạt năng suất cao hơn từ 9 – 30% so với giống mẹ, tùy theo loại đất.

Theo ICAR, cả hai giống đều đã được thử nghiệm trên diện rộng trong niên vụ 2023–2024 và không chứa DNA ngoại lai, do đó được miễn trừ khỏi các quy định an toàn sinh học nghiêm ngặt – một lợi thế lớn giúp rút ngắn thời gian đưa vào sản xuất.

Khác với cây biến đổi gen truyền thống, cây chỉnh sửa gen như Kamala và Pusa DST chỉ thay đổi các gen bản địa để tăng khả năng tự nhiên, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu mà vẫn giữ an toàn sinh học cao.

Ấn Độ đã thể hiện quyết tâm phát triển công nghệ này khi phân bổ 60 triệu USD trong ngân sách 2023–2024 để nghiên cứu cây chỉnh sửa gen. ICAR cho biết sắp tới công nghệ sẽ được mở rộng sang các cây trồng chủ lực khác như đậu, ngô, lúa mì và cây có dầu.

Châu Á chạy đua xây khung pháp lý cho cây chỉnh sửa gen

Tháng 3/2022, Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu Ấn Độ thông báo rằng những cây trồng được chỉnh sửa gen không chứa DNA ngoại lai sẽ miễn trừ khỏi khung quản lý đối với sinh vật biến đổi gen. Theo đó những cây trồng này sẽ được miễn đánh giá an toàn sinh học theo quy định tại Điều 20 của Luật năm 1989 về Sản xuất, Sử dụng, Nhập khẩu, Xuất khẩu và Lưu trữ Vi sinh vật/Sinh vật/ Tế bào biến đổi gen.

Sau đó, hướng dẫn chính thức về đánh giá an toàn đối với cây trồng chỉnh sửa gen đã được công bố vào ngày 17/5/2022. Đây được xem như một văn bản pháp lý chính thức hướng dẫn lộ trình cho việc phát triển và ứng dụng bền vững công nghệ chỉnh sửa gen, bao gồm cả quy trình pháp lý cần tuân thủ để thương mại hóa cây trồng chỉnh sửa gen.

Ấn Độ không đơn độc trong nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều nước châu Á đang đẩy nhanh xây dựng khung pháp lý cho cây chỉnh sửa gen.

Trong đó, Nhật Bản đã cho phép thương mại hóa cà chua chỉnh sửa gen giàu GABA từ năm 2021. Trung Quốc đã đơn giản hóa thủ tục cấp phép, cấp phép thương mại cho giống đậu tương giàu oleic.

Philippines và Bangladesh cũng đã ban hành hướng dẫn và miễn đánh giá an toàn sinh học với sản phẩm không chứa gen ngoại lai.

Thái Lan và Singapore vừa phê duyệt khung pháp lý vào tháng 8/2024, tiếp cận theo hướng “dựa vào sản phẩm cuối cùng”.

Xu hướng chung là nếu cây chỉnh sửa gen không mang gen lạ và có đặc tính tương tự giống truyền thống thì sẽ được quản lý như cây trồng truyền thống – giúp đẩy nhanh ứng dụng vào sản xuất.

Tiểu Phong