Văn hóa - Thể thao

Ninh Bình đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy phát triển du lịch

Hà Hương 09/05/2025 14:26

Ngày 9/5, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”.

Đánh thức di sản qua công nghiệp văn hóa

Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn khẳng định, đây là diễn đàn có ý nghĩa thiết thực, đón nhận những ý kiến tâm huyết, trí tuệ có tính định hướng, tầm nhìn dài hạn và đưa ra các giải pháp mang tính đột phá dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững du lịch Ninh Bình.

dsc04356.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: BTC

Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Ninh Bình luôn kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương. Cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8% GRDP. Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2045, xác định rõ định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị cảnh quan thiên nhiên, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội tỉnh.

DJI_0379 copy
Ninh Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: TTXTDLNB

Để làm được điều đó, tỉnh cần mở ra, đánh thức kho di sản văn hóa, biến văn hóa thành động lực - thông qua công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp với các giá trị văn hóa bản địa, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề... Đồng thời, ứng dụng công nghệ số, thu hút các dự án đầu tư chất lượng như “đô thị di sản thiên nhiên” để tạo đột phá.

Cộng hưởng sức mạnh để tạo hấp dẫn khó cưỡng

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định Ninh Bình có tiềm năng rất lớn phát triển công nghiệp văn hóa, với nhiều làng nghề, nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát xẩm, ca trù; các truyền thuyết dân gian gắn với vua Đinh - vua Lê có thể trở thành kịch bản sân khấu hóa đặc sắc… Khi công nghiệp văn hóa được lồng ghép và phát triển song hành với du lịch, du lịch Ninh Bình sẽ có nhiều khác biệt, độc đáo ghi dấu trong lòng du khách.

dsc04888.jpg
Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: BTC

Kinh nghiệm thế giới cho thấy nơi nào phát triển được tính liên ngành trong văn hóa sẽ tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng với phát triển du lịch. Du lịch và văn hóa tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Du lịch thụ hưởng giá trị mà công nghiệp văn hóa tạo ra như ẩm thực, biểu diễn, điện ảnh, thiết kế, âm nhạc…

Khẳng định điều này, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, Ninh Bình cần đẩy mạnh kết nối mạng lưới doanh nghiệp địa phương, kết nối quốc tế, tạo sự liên thông giữa các sản phẩm du lịch sinh thái khảo cổ, tâm linh… Đồng thời, xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch, bố trí quỹ đất, nguồn vốn, có chính sách ưu đãi và kích hoạt khối sáng tạo tư nhân.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương gợi ý, Ninh Bình nên xem xét lựa chọn lĩnh vực nghệ thuật truyền thông để xây dựng lộ trình đưa Hoa Lư chính thức trở thành một phần của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và định vị thành phố như “vùng lõi sáng tạo” của trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức sự kiện truyền thông, trung tâm quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh.

dsc04984.jpg
Hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận: “Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch” và “Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch”. Ảnh: BTC

Để phát huy các ngành văn hoá sáng tạo, tận dụng di sản Tràng An làm nền tảng cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Johnathan Baker đề xuất phát triển các tuyến du lịch văn hóa theo chủ đề và du lịch nông thôn, nhằm khuyến khích du khách khám phá di sản sống động của Ninh Bình vượt ra ngoài các điểm đến quen thuộc. Thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hóa do cộng đồng dẫn dắt, bảo đảm phân chia lợi ích một cách công bằng...

Tuy nhiên, ông Johnathan Baker lưu ý, đầu tư cho văn hóa phải song hành với giữ gìn văn hóa. "Di sản và hệ sinh thái là những giá trị quý giá và hữu hạn, một khi bị tổn thương sẽ rất khó để khôi phục hoàn toàn".

Dẫn chứng xu hướng du lịch thời gian tới tập trung vào trải nghiệm cá nhân, du lịch xanh, du lịch bền vững… Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị Ninh Bình tổ chức đánh giá tài nguyên du lịch của tỉnh (sau sáp nhập) để xây dựng quy hoạch phát triển chung nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch…

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, phát triển các khu, điểm, từng bước kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch… Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ du lịch, chú trọng các sản phẩm tăng tính tương tác, sản phẩm du lịch đêm… Phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên, giá trị văn hóa, di sản.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, tập trung vào khai thác tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình đón nhiều khách nhưng doanh thu chưa cao như kỳ vọng.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch kết hợp với nghệ thuật, điêu khắc, có ứng dụng công nghệ thông tin… Việc này góp phần nâng tầm du lịch, hướng tới hiệu quả về doanh thu, tạo sự phát triển bền vững", ông Bùi Văn Mạnh thông tin.

Hà Hương