Diễn đàn Hàn Quốc học và Khoa học công nghệ ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Ngày 9.5, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế (KF) đã tổ chức “Diễn đàn Hàn Quốc học và Khoa học công nghệ ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các học giả hàng đầu về Hàn Quốc học, đại diện các trường đại học danh tiếng, tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Hàng chục thế hệ sinh viên đã được đào tạo và đóng góp hàng trăm công trình nghiên cứu về Hàn Quốc, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Tại ĐHQGHN, và cụ thể là tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hàn Quốc học đang là ngành có vị thế chuyên môn ưu tú trong cộng đồng Hàn Quốc học cả nước.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiện nay, chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn hợp tác đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời cũng là một kỷ nguyên mới của khoa học công nghệ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo với những nhu cầu xã hội mới. Trong bối cảnh đó, việc lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước để đổi mới phương pháp đào tạo là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam.
Diễn đàn lần này được tổ chức với mong muốn có được sự trao đổi, chia sẻ của các đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc để có thể mở rộng phạm vi đào tạo cho ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam, đặc biệt có sự tập trung sâu vào thảo luận về hợp tác khoa học công nghệ và các lĩnh vực liên ngành khác.
Đồng thời diễn đàn lần này sẽ là cầu nối, kiến tạo nên một mạng lưới hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ của hai nước trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Quang Hưng nhấn mạnh, với số lượng đông đảo chuyên gia của hai nước tham dự Diễn đàn đã tạo nên một không gian trao đổi đa chiều, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác mới, gắn kết hiệu quả giữa giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Cục trưởng Phạm Quang Hưng cho biết, Kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu đã trở thành trụ cột chiến lược, được hai bên ưu tiên phát triển. Hàn Quốc học – với vai trò cầu nối văn hóa, học thuật và tư duy phát triển – đang có bước tiến mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt trong hệ thống giáo dục đại học.
Trong buổi sáng, diễn đàn sẽ làm việc với phiên thảo luận về “Mở rộng Hàn Quốc học tại Việt Nam và định hướng tầm nhìn mới”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, Hàn Quốc học, vốn trước đây tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giới hạn như nhân văn học, khoa học xã hội và tiếng Hàn. Gần đây Hàn Quốc học đã mở rộng phạm vi do sự gia tăng nghiên cứu liên ngành và sự mở rộng sang các lĩnh vực STEM, truyền thông và khoa học công nghệ. Giáo dục tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức như sự phân tán nguồn lực, sự phát triển cân bằng giữa tiếng Hàn và Hàn Quốc học, và sự cần thiết của các sáng kiến hợp tác. Bên cạnh đó, tại Lào, quốc gia láng giềng của Việt Nam, đang tìm kiếm các biện pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nghiên cứu Hàn Quốc.

Phiên thảo luận này xem xét cách Hàn Quốc học hiện đại thích ứng với các xu hướng học thuật mới và thực tế toàn cầu, đồng thời khám phá các phương án nâng cao sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của Hàn Quốc học tại Việt Nam, từ đó mở rộng định hướng cho nghiên cứu Hàn Quốc học.

Chiều cùng ngày, Diễn đàn sẽ lắng nghe và thảo luận chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác giữa Doanh nghiệp – Chính phủ - Trường học trong đào tạo”.
Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia tăng trưởng nhanh chóng trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đang đạt được những tiến bộ trong đổi mới và phát triển công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, được hỗ trợ bởi sự khuyến khích của chính phủ và sự đổi mới của khu vực tư nhân.
Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nguồn nhân lực là vô cùng lớn, đặc biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số và công nghệ thay đổi nhanh chóng, nguồn nhân lực là một trong những giá trị không thể thiếu cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Bằng cách tăng cường quan hệ đối tác giáo dục đại học giữa Hàn Quốc và Việt Nam, các diễn giả sẽ thảo luận xem có thể tận dụng hiệu quả kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hàn Quốc và những thế mạnh trong các lĩnh vực thiết yếu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 như: kỹ thuật số, sinh học và biến đổi khí hậu để củng cố năng lực giáo dục chất lượng cao, đồng thời đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội bền vững thông qua sự hợp tác giữa công nghiệp, chính phủ và trường học.