Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Tại sao Chính quyền Donald Trump không muốn và không thể can thiệp?
Cuộc khủng hoảng đang leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan chính xác là loại tình huống quốc tế khẩn cấp mà nếu ở những thời chính quyền trước kia, Mỹ sẽ ưu tiên can thiệp từ đầu cũng như không chậm trễ trong thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao toàn diện. Thế nhưng điều này dường như không phải là lựa chọn của Chính quyền Donald Trump hiện tại.
Phản ứng hời hợt
Hôm 7/5, Tổng thống Donald Trump đưa ra phản ứng đầu tiên, có phần thụ động đối với vụ không kích của Ấn Độ nhằm vào khu vực mà nước này cáo buộc là sào huyệt của lực lượng được Pakistan hậu thuẫn, đã tiến hành vụ tấn công vào du khách người Ấn hồi tháng 4. "Thật đáng xấu hổ", ông Trump nói.

Sau đó, ngày 8/5, ông “đi xa hơn một chút” khi tuyên bố “sẵn sàng làm gì đó để giúp hai bên hạ nhiệt căng thẳng”, nhưng không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào chứng tỏ sự nhiệt tình. "Chúng tôi có mối quan hệ tốt với cả hai nước và tôi muốn họ giải quyết vấn đề ngay lập tức", ông nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio cho biết, ông đã liên lạc với các quan chức cấp cao của Ấn Độ và Pakistan trong những tuần gần đây, ngay từ khi xảy ra vụ tấn công khiến nhiều du khách Ấn Độ thiệt mạng. Nhưng khi sự việc xảy ra, không có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm phối hợp hòa giải quốc tế hoặc quản lý khủng hoảng.
Phản ứng của Hoa Kỳ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong những ngày tới vì chính quyền Trump thứ hai đã gần như quay lưng lại với chính sách đối ngoại sen đầm trước kia của Mỹ, để lại khoảng trống nơi nước Mỹ từng định hình mình ở vai trò lãnh đạo.
Trong khi ông Trump đã đưa “nhiệm vụ thiết lập hòa bình” trở thành nền tảng cho nhiệm kỳ mới của ông, những nỗ lực trên thực tế của Chính quyền ông trong việc xoa dịu các điểm nóng toàn cầu ở Ukraine và Gaza cho thấy ít tiến triển.
Trong quá khứ, nỗ lực kiến tạo hòa bình thành công của Hoa Kỳ - chẳng hạn như sự kiện Tổng thống Jimmy Carter tư vấn cho hiệp định hòa bình giữa Israel và Ai Cập hay sự kiện Tổng thống Bill Clinton thúc đẩy chấm dứt chiến tranh ở Nam Tư cũ - đòi hỏi nhiều tháng và nhiều năm xây dựng lòng tin chậm rãi và sự chuẩn bị về ngoại giao tỉ mỉ ở các cấp thấp hơn. Nhưng trong 3 tháng qua, không hề có dấu hiệu nào cho thấy Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có động lực để đưa ra một chiến lược sâu rộng tương tự trong bất kỳ cuộc xung đột hiện có nào, chứ đừng nói đến một cuộc xung đột mới ở Nam Á. Chuyên gia Tim Willasey - Wilsey của Viện Royal United Services tại London, Anh nói với CNN rằng Hoa Kỳ từng tiên phong trong các nỗ lực ngoại giao giúp xoa dịu các cuộc khủng hoảng liên quan đến Kashmir trong các năm 2000, 2008 và 2019, nhưng có thể họ không còn muốn như vậy nữa.
Căng thẳng ở Kashmir nguy hiểm như thế nào?
Khu vực Kashmir là một lãnh thổ ở phía Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ và có biên giới với Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ này và mỗi bên kiểm soát một khu vực được phân cách bởi một đường biên giới căng thẳng được gọi là Đường kiểm soát. Trung Quốc kiểm soát một phần của Kashmir.
Ngòi nổ của nhiều thập kỷ xung đột được châm ngòi bởi cường quốc thực dân Anh. Trước khi họ rời đi vào cuối những năm 1940, Anh đã chia Ấn Độ thành hai quốc gia riêng biệt: Ấn Độ hiện đại, chủ yếu theo đạo Hindu, và Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi. Kể từ đó, hai đối thủ đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh giành Kashmir. Trong một phần tư thế kỷ qua, cũng đã có nhiều cuộc giao tranh nhỏ hơn.
Một trong những tình huống căng thẳng nhất là vào năm 1999 và Tổng thống Bill Clinton khi đó đã phải can thiệp vào cuộc xung đột Kargil rong bối cảnh cộng đồng tình báo Hoa Kỳ lo ngại rằng xung đột có thể bùng phát thành chiến tranh hạt nhân thảm khốc giữa hai cường quốc vừa thử nghiệm các thiết bị nguyên tử.
Trong những năm gần đây, Pakistan và Ấn Độ đã không còn sử dụng những lời lẽ đe dọa hạt nhân, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng về Kashmir. Trong bối cảnh họ trở thành những cường quốc hạt nhân “trưởng thành” hơn, nỗi sợ về một cuộc chiến thảm khốc với vũ khí hủy diệt hàng loạt đã lắng xuống.
Tuy nhiên, Washington luôn nhìn nhận xung đột Kashmir là tình huống khẩn cấp về an ninh đáng để đầu tư sức mạnh của Hoa Kỳ. Ngay cả trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump cũng đồng ý với điều đó, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó đã vào cuộc để xoa dịu cuộc đối đầu giữa các đối thủ Nam Á liên quan đến Kashmir 6 năm trước.
Giờ đây, thế giới hiện đang nín thở chờ đợi sự leo thang tiếp theo có thể xảy ra ở Kashmir. Ấn Độ biện minh cho các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Kashmir do Pakistan kiểm soát và chính Pakistan bằng lý do họ đang tấn công vào các đồn trại của lực lượng khủng bố đã tấn công các du khách người Ấn vào tháng trước. Pakistan đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ sau khi cho biết 31 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Ấn Độ. Khả năng leo thang hơn nữa từ Ấn Độ sẽ tăng lên nếu họ tin rằng họ phải đáp trả các cuộc tấn công mới của Pakistan.
Một thế giới đã thay đổi
Bên cạnh thực tế là Mỹ ngày càng tỏ ra miễn cưỡng trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, còn có những lý do khác khiến các nỗ lực ngoại giao trước đây có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong một trật tự thế giới đã thay đổi.
Một trong những tác động của cuộc khủng hoảng khủng hoảng Kargil năm 1999 là nó khiến Hoa Kỳ xích lại gần hơn với Ấn Độ. Các chính quyền Mỹ sau đó đều đi theo chính sách Ấn Độ của Clinton. Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng có mối quan hệ cá nhân và chính trị gần gũi với Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Bản chất gây sốc của các cuộc tấn công vào những du khách không vũ trang người Ấn ở Kashmir hồi tháng 4 đã khiến không chỉ Washington mà nhiều quốc gia khác cảm thấy đồng cảm với Ấn Độ, và cảm giác rằng nước này có quyền tự vệ. Tất nhiên, Pakistan cho đến nay luôn phủ nhận cáo buộc của Ấn Độ cho rằng họ hậu thuẫn các trại khủng bố, nơi lên kế hoạch vụ tấn công.
Trong khi đó, mối quan hệ đồng minh khi xưa giữa Hoa Kỳ và Pakistan đã phần nào trở nên nhạt nhẽo. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Pakistan đã bị xói mòn kể từ khi hai nước kết thúc liên minh không mấy dễ chịu trong cuộc chiến chống khủng bố và sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Pakistan hiện đã hoàn toàn quay trở lại với lòng trung thành chính trị lâu đời với Trung Quốc.
Ai sẽ là trung gian hòa giải?
Trong trường hợp Washington vắng mặt, quá trình hòa giải có thể bắt đầu ở Trung Đông. Ví dụ, Qatar đã đóng vai trò chủ chốt trong các nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn và thả con tin giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã có các cuộc điện đàm riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan Sharif. Bộ Ngoại giao Qatar cho biết trong một tuyên bố rằng nước này "hoàn toàn ủng hộ" mọi nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Willasey-Wilsey lập luận rằng, các “chủ nợ” của Pakistan, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Ảrập Xêút, có đủ khả năng để gây áp lực đối với Islamabad, vì Pakistan đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Rõ ràng trừ khi tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt khủng hoảng sẽ không do Hoa Kỳ lãnh đạo.