Kinh tế

Vốn tín dụng - điểm tựa, bệ đỡ cho dự án PPP

Minh Anh 09/05/2025 08:39

Bên cạnh các giải pháp đa dạng hóa nguồn huy động vốn trong các dự án hợp tác công - tư (PPP), vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại vẫn là kênh vốn quan trọng để triển khai khả thi các dự án.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông đặt mục tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc, 1.000km đường ven biển trong năm 2025 và đạt 5.000km vào năm 2030 (tổng mức đầu tư 813.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đường sắt cũng là lĩnh vực ưu tiên chiến lược với mục tiêu 1.541km đường sắt Bắc - Nam, tổng mức đầu tư 68 tỷ USD.

Còn theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), nhu cầu vốn cho hạ tầng giai đoạn 2026 - 2030 sẽ cần tới hơn 200 tỷ USD; trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng cao nhất, ước tính 40 - 50% (tương đương 80 - 100 tỷ USD) với các đại dự án như đường sắt cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành.

Trong khi đó, theo ước tính của FiinRatings, mỗi năm, Việt Nam cần ít nhất 25 - 30 tỷ USD vốn đầu tư cho đến năm 2040 và căn cứ trên các kênh cung ứng vốn, Việt Nam có thể thiếu xấp xỉ khoảng 116 tỷ USD cho kết cấu hạ tầng giai đoạn 2023 - 2040; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang và sẽ là điều kiện cần để kinh tế Việt Nam bứt phá, song vấn đề đặt ra là phải khơi thông các dòng vốn, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Vai trò vốn tín dụng trong các dự án PPP

Mô hình PPP nổi lên như một giải pháp hữu hiệu và đã dần trở thành một động lực quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam; tuy nhiên, tính khả thi của các dự án PPP phụ thuộc rất lớn vào khả năng huy động được vốn, mà trong đó nguồn vốn tín dụng vẫn giữ vai trò then chốt.

Nguồn vốn tín dụng thường được cung cấp dưới dạng các khoản vay từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, là một phần không thể thiếu của các dự án PPP. Bên cạnh cho phép khu vực tư nhân tận dụng chuyên môn và nguồn lực sẵn có, nó còn giảm bớt gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước. Trong mô hình này, nhà nước và tư nhân cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích, đồng thời thúc đẩy hiệu quả quản lý và triển khai dự án.

d2.jpg
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã đạt thành công trong việc thu xếp vốn, trở thành “điểm sáng” trong mô hình PPP Ảnh: Minh Anh

Đặc thù của các dự án PPP ở Việt Nam hiện nay là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, có thể tiềm ẩn rủi ro. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, nguồn vốn tín dụng đóng vai trò như một giải pháp tài chính linh hoạt bảo đảm dòng tiền ổn định.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: “Trong mô hình PPP có sự đóng góp vốn của cả Nhà nước và tư nhân, dù doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh vẫn cần có nguồn vốn huy động từ bên ngoài, mà ở nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nổi lên là hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng. Xét tổng thể, vai trò của nguồn vốn tín dụng rất quan trọng với các dự án PPP”.

Thực tế cũng cho thấy, nguồn vốn tín dụng luôn giữ một vai trò nổi bật trong các dự án PPP tại Việt Nam. Dù gần đây, doanh nghiệp đầu tư PPP đã có giải pháp sáng tạo để đa dạng hóa nguồn huy động vốn nhằm giảm sự phụ thuộc vào kênh tài chính này. Với kết cấu hạ tầng tài chính còn đang phát triển và nguồn vốn nội địa hạn chế, vốn tín dụng vẫn là lựa chọn chủ đạo, đặc biệt trong các dự án có quy mô lớn như lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Ví dụ, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một trong những dự án PPP tiêu biểu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, đã sử dụng nguồn vốn tín dụng chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư, ước tính khoảng hơn 6.800 tỷ đồng.

Tương tự, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được thực hiện với tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng, trong đó hơn 45% là vốn tín dụng huy động (gần 5.100 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay); đây là tỷ lệ cao, phản ánh sự phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng khi phần vốn Nhà nước chiếm khoảng dưới 55% (hơn 6.000 tỷ đồng).

Hay như dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, đã huy động được tổng vốn tín dụng là 2.756 tỷ đồng (hơn 30% tổng mức đầu tư); trong đó phần vốn vay của nhà đầu tư là 2.756 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.030 tỷ đồng; dự án đã đạt thành công trong việc thu xếp vốn, trở thành “điểm sáng” trong mô hình PPP.

Những ví dụ trên đây chứng minh rằng, dù các nhà đầu tư có tìm kiếm các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, hợp tác BCC … thì với nhiều dự án PPP, vốn tín dụng vẫn là nguồn huy động “trụ cột” tài chính cho dự án. Khoản tín dụng để triển khai các dự án PPP giao thông chủ yếu đến từ cam kết của các ngân hàng thương mại trong nước, phần nào cho thấy sự tin tưởng và sẵn sàng của các tổ chức tài chính tham gia vào mô hình PPP.

Ngân hàng sẵn sàng tham gia nhưng vướng rào cản

Thời gian qua, trong nỗ lực thu hút nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương chính sách nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan về cơ chế, về nguồn vốn, về nhân lực… góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân nói chung, thúc đẩy áp dụng mô hình PPP nói riêng.

Mới đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP)”. Đồng thời nêu rõ yêu cầu: “đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân”.

Theo nhận định của một số chuyên gia, với các chính sách từ Quốc hội, Chính phủ, các ngân hàng đang dành nhiều hơn sự quan tâm và mong muốn sát cánh doanh nghiệp để tham gia vào các dự án PPP; tuy nhiên, vẫn còn những rào cản về cơ chế chính sách như giới hạn tỷ lệ cho vay dài hạn, hạn chế về tài sản bảo đảm và cơ chế bảo lãnh, quy trình thẩm định còn phức tạp... dẫn đến khó hoặc không thực hiện được.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để các dự án PPP có thể triển khai, bên cạnh sự tham gia của vốn Nhà nước, điều quan trọng là phải thu hút được sự tham gia của nguồn lực tư nhân, đánh giá và hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh, có kế hoạch tài chính bền vững.

“Đất nước cần đầu tư nguồn lực khổng lồ cho hạ tầng, ngân sách còn hạn chế, thì rất cần có các dự án PPP; trong đó không thể phủ nhận những đóng góp của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong nước; điều này cần được phát huy và có cơ chế để tháo rào cản, khuyến khích nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho đất nước”, vị chuyên gia này khẳng định.

Minh Anh