Góp ý xây dựng Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến phápBước tiến quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển và nguyện vọng Nhân dân
Việc Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự nhạy bén, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong tiếp tục hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới.
Quyết định này không chỉ nhận được sự đồng thuận cao trong Quốc hội mà còn phản ánh đúng đắn nguyện vọng của Nhân dân, hướng tới một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Một trong những trọng tâm của lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013). Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.
Các sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân. Đồng thời, có vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân được nhấn mạnh và cụ thể hóa. Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận là một bước đi quan trọng. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn.

Tương tự, việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 về Công đoàn Việt Nam không chỉ tái khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam, mà còn bổ sung một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế: là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định vị thế không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đoàn viên và người lao động trước những thách thức mới.
Sự điều chỉnh về quyền trình dự án luật, pháp lệnh tại Điều 84, theo hướng tập trung quyền này vào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (thay vì cả các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên như trước), cũng là một hệ quả logic, phù hợp với mô hình tổ chức tinh gọn sau sắp xếp, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật.
Hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu quả và gần dân
Một nội dung sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá và có tác động sâu rộng là các quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110) và chính quyền địa phương (Điều 111, 112, 114, 115). Những bất cập của mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp hiện nay trong bối cảnh mới, đặc biệt là yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đã cho thấy sự cần thiết phải thay đổi. Việc duy trì cấp chính quyền trung gian (cấp huyện) đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực.
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025, Hiến pháp sửa đổi đã định hình lại mô hình tổ chức đơn vị hành chính; theo đó, các đơn vị hành chính của nước ta sẽ gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc xác định cụ thể các loại đơn vị hành chính cấp dưới này sẽ do Quốc hội quy định, tạo linh hoạt và phù hợp với thực tiễn. Đây là cơ sở hiến định quan trọng để Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cụ thể hóa mô hình này, dự kiến xã là đơn vị hành chính ở nông thôn, phường (cũng có thể về sau này là thành phố thuộc tỉnh) ở đô thị và đặc khu ở hải đảo.
Các sửa đổi liên quan đến việc không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” dàn trải mà tập trung vào việc tổ chức HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm từng nơi (cấp tỉnh, cấp xã) cũng nhằm thể hiện tính thống nhất của mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, tránh nhầm lẫn và tạo sự rõ ràng. Việc điều chỉnh phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND (không còn bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân do thay đổi mô hình tổ chức tòa án, viện kiểm sát khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể) cũng là một điều chỉnh cần thiết, tập trung quyền giám sát của HĐND vào hoạt động của UBND và các cơ quan thuộc UBND; đồng thời, vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các hình thức giám sát khác.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 lần này là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Những thay đổi không chỉ nhằm khắc phục những bất cập của thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Với sự đồng thuận cao và chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.