Tăng hậu kiểm - tạo môi trường kinh doanh minh bạch
Theo chương trình nghị sự, chiều mai, 10/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Một trong những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý, dự thảo luật đã quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương. Quy định này nhằm góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp “ma”, “tăng vốn ảo”… làm méo mó môi trường kinh doanh.
Với mục tiêu, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; công tác xây dựng pháp luật của chúng ta thời gian qua đã đổi mới theo hướng cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, nhằm xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Đây là chủ trương, chính sách đúng đắn để tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp phát triển.
Trên cơ sở khung khổ pháp lý hoàn thiện đó, nhiều doanh nghiệp đã phát huy được sức mạnh nội tại của mình để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách thông thoáng của pháp luật nhằm trục lợi.
Thực tế cho thấy, việc chưa làm đến nơi, đến chốn công tác hậu kiểm của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp các công ty tăng vốn “ảo” trước khi trở thành công ty đại chúng hoặc thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ như trong thời gian vừa qua.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 215 Luật Doanh nghiệp nhằm quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh. Theo đó, dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương, có trách nhiệm tổ chức đăng ký doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập”.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kết nối, chia sẻ thông tin của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trên cơ sở dữ liệu được chia sẻ, kết nối liên thông, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có công cụ mạnh hơn để nâng cao hiệu quả của công tác “hậu kiểm” trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng, sau khi Luật được ban hành, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các quy định cụ thể để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh ở khâu thực thi pháp luật theo hướng: tiếp tục tăng cường công tác giám sát đăng ký kinh doanh qua hình thức làm việc trực tuyến với các cơ quan đăng ký kinh doanh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra cơ quan đăng ký kinh doanh xã về nghiệp vụ đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp…
Luật Doanh nghiệp hiện nay đã thể hiện rõ tinh thần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, với yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật lần này quy định chi tiết hơn về nội dung phân cấp UBND địa phương có trách nhiệm trong tổ chức đăng ký doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Quy định này nhằm giao quyền chủ động hơn cho UBND địa phương trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ để thực hiện quyền, trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thành lập, hoạt động của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Khung khổ pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan quản lý để tránh tình trạng buông lỏng trong công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Đó là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch.