Sức khỏe

Tác hại của đồ uống có đường: Truyền thông phải đi trước một bước

Thu Trang - Hoàng Yến 09/05/2025 07:56

Dù việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế xác định là giải pháp hiệu quả để điều tiết tiêu dùng, nhưng để chính sách thực sự phát huy tác dụng, truyền thông phải đi trước một bước.

Lấp khoảng trống trong truyền thông

Mặc dù đồ uống có đường đang được tiêu thụ phổ biến trong nhóm học sinh - sinh viên, nhưng nhận thức của nhóm đối tượng này về tác hại của sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Việc truyền thông trong nhà trường, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến với giới trẻ như TikTok, YouTube, Instagram... vẫn chưa được chú trọng đúng mức hoặc chưa có chiến lược tiếp cận hiệu quả.

Đây chính là điểm yếu mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương khắc phục, bằng cách tích hợp giáo dục sức khỏe vào chương trình học và tận dụng tối đa sức mạnh lan tỏa của công nghệ số trong truyền thông y tế.

45c6ef95dd1b6f45360a.jpg

Ngày 28/4/2025, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và tổ chức Vital Strategies chính thức khởi động chiến dịch truyền thông đa nền tảng với thông điệp “chọn thức uống lành mạnh vì sức khỏe của chúng ta” và nhấn mạnh rằng “thuế góp phần bảo vệ sức khỏe bằng cách hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường”.

Chiến dịch được triển khai đồng bộ trên báo in, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, màn hình LCD công cộng và các nền tảng số, hướng tới nhóm tiêu dùng chính là học sinh - sinh viên và giới trẻ thành thị. Đây là bước tiến quan trọng nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống thông qua nhận thức xã hội.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Truyền thông chính là công cụ giúp người dân hiểu rõ tác hại của đồ uống có đường, nhận thức được lợi ích của chính sách thuế và tự đưa ra lựa chọn có lợi cho sức khỏe”.

f57435b0cb3c7962202d.jpg
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông, báo chí. Ảnh: Hoàng Yến

Ngoài vai trò lan tỏa của báo chí, các chuyên gia cũng khuyến nghị đưa nội dung về tác hại của đồ uống có đường vào chương trình giáo dục học đường. Việc lồng ghép kiến thức này vào các môn học liên quan sẽ giúp học sinh sớm hình thành nhận thức đúng đắn về thói quen tiêu dùng và hậu quả sức khỏe.

Tại một số quốc gia, việc gắn nhãn cảnh báo dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, cùng với quy định cấm quảng cáo đồ uống có đường trong khuôn viên trường học, đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm mức tiêu thụ.

Song song với đó, các tổ chức như HealthBridge cũng đang triển khai các chương trình nâng cao nhận thức thông qua báo chí, như cuộc thi viết về các giải pháp phòng chống bệnh không lây nhiễm, khuyến khích phản ánh đa chiều từ thực tiễn đến chính sách.

Tạo làn sóng thay đổi hành vi tiêu dùng

Truyền thông không chỉ là công cụ phản ánh mà còn là lực lượng định hướng, kết nối giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các chính sách như thuế tiêu thụ đặc biệt, giáo dục học đường hay gắn nhãn cảnh báo sẽ khó đi vào thực tiễn nếu thiếu sự đồng thuận xã hội, và truyền thông chính là chìa khóa để mở cánh cửa đó.

e5c10407fa8b48d5119a.jpg
Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với WHO và HealthBridge tổ chức. Ảnh: Hoàng Yến

Khi truyền thông đủ mạnh, đủ gần gũi và nói đúng ngôn ngữ của cộng đồng, nhận thức sẽ thay đổi. Và khi nhận thức thay đổi, hành vi tiêu dùng sẽ dần được điều chỉnh theo hướng tích cực và bền vững.

Theo các chuyên gia, để thay đổi được nhận thức trong việc tiêu thụ đồ uống có đường; truyền thông cần cung cấp thông tin rõ ràng, đơn giản và dễ tiếp cận về tác hại của đường lỏng đối với sức khỏe, mối liên hệ giữa tiêu thụ đường và các bệnh không lây nhiễm, đồng thời đưa ra các khuyến cáo cụ thể. Đơn cử như thông tin về một lon nước ngọt 330ml chứa khoảng 40g đường, gần bằng mức tối đa khuyến nghị trong một ngày theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

1d94b6c1ae4f1c11455e.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với WHO và HealthBridge tổ chức. Ảnh: Hoàng Yến

Cùng với đó, cần giải thích rõ mục tiêu và lợi ích của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, giúp cộng đồng hiểu rằng đây là công cụ để định hướng tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ sức khỏe về lâu dài.
Bên cạnh đó, khuyến khích lựa chọn thức uống ít hoặc không có đường, như nước lọc, nước ép tự nhiên. Đồng thời, thúc đẩy hình ảnh lối sống khỏe mạnh trong cộng đồng, nhất là trong giới trẻ, bằng các chiến dịch truyền thông phù hợp với xu hướng tiêu dùng và ngôn ngữ hiện đại.

Giảm tiêu thụ đồ uống có đường là một hành trình cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách công, giáo dục học đường và truyền thông đại chúng. Trong đó, truyền thông giữ vai trò như “lực đẩy mềm”, tạo ra làn sóng thay đổi hành vi tiêu dùng.

Thu Trang - Hoàng Yến