Tác hại của đồ uống có đường: Hồi chuông báo động tới sức khỏe
Từng được xem là lựa chọn tiện lợi và sảng khoái, đồ uống có đường giờ đây đang bị cảnh báo là “sát thủ thầm lặng” của sức khỏe cộng đồng.
Tỷ lệ tiêu thụ loại đồ uống này tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 15 năm, kéo theo hệ lụy nghiêm trọng về bệnh tật, đặc biệt ở giới trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế kêu gọi hành động khẩn cấp, từ nâng cao nhận thức đến chính sách kiểm soát và can thiệp mạnh mẽ.
Tiêu dùng tăng nhanh, vượt ngưỡng khuyến nghị
Từ những lon nước ngọt trong siêu thị đến các loại trà sữa, nước tăng lực, nước ép đóng chai tràn ngập mạng xã hội, đồ uống có đường đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống hiện đại. Đặc biệt, giới trẻ - đối tượng dễ bị tác động bởi quảng cáo và xu hướng tiêu dùng, lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ loại đồ uống này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần từ năm 2009 đến năm 2023, với tốc độ trung bình 20% mỗi năm trong giai đoạn 2009 - 2014 và 7% mỗi năm từ 2015 - 2023. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ tới 66,5 lít đồ uống có đường mỗi năm vào năm 2023, gần gấp đôi ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là dưới 34 lít mỗi người mỗi năm.

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa đồ uống có đường gồm 6 nhóm chính: nước ngọt có/không ga, nước ép trái cây/đóng hộp, chất tạo đồ uống hương liệu, nước tăng lực, đồ uống thể thao, trà/cà phê pha sẵn.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy cảnh báo: “Trẻ em Việt Nam đang tiêu thụ đồ uống có đường một cách thường xuyên. Chỉ cần uống một lon nước ngọt 330ml đã gần đạt giới hạn tối đa 50g đường mỗi ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo. Trong khi đó, mức an toàn thực sự chỉ nên dưới 25g mỗi ngày.”

Một nghiên cứu do Bộ Y tế dẫn chứng chỉ ra rằng, nếu trẻ em uống thêm 100ml đồ uống có đường mỗi ngày, chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng đáng kể, kéo theo nguy cơ thừa cân, béo phì tăng 1,2 lần ở tuổi lên 6. Trẻ từ 2 - 5 tuổi nếu uống nước ngọt thường xuyên có nguy cơ béo phì cao hơn 43%. Ở người trưởng thành, việc uống một lon nước ngọt mỗi ngày trong một năm có thể khiến trọng lượng cơ thể tăng thêm trung bình 6,75kg, nếu không điều chỉnh khẩu phần từ các nguồn thực phẩm khác.
Đáng lo hơn, uống 354 - 704ml đồ uống có đường mỗi ngày làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2 trên 26%, trong khi với nam giới tiêu thụ trên 708 ml mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng hơn 40%. Đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ cao huyết áp 1,36 lần, ung thư đại trực tràng từ 1,45 - 1,85 lần, loãng xương trên 2,7 lần, giảm khả năng sinh sản (khi uống trên 354ml mỗi ngày), sâu răng (tăng 22%) và tăng tần suất tử vong sớm 14 - 21%.
Đường dạng lỏng - nguy cơ thầm lặng đối với chuyển hóa và nội tạng
Không giống như đường trong thực phẩm rắn, đường ở thể lỏng - đặc trưng trong đồ uống có đường, không mang lại cảm giác no và dễ dẫn đến tình trạng tiêu thụ vượt kiểm soát.
Bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết: “Đường dạng lỏng được hấp thụ rất nhanh vào máu và gan, không qua hệ tiêu hóa thông thường nên cơ thể không ghi nhận năng lượng đã nạp. Hậu quả là người tiêu dùng dễ dàng nạp thêm năng lượng từ thực phẩm khác mà không điều chỉnh”.

Đặc biệt, đường fructose - chiếm tỷ lệ lớn trong nước ngọt công nghiệp, được chuyển hóa chủ yếu ở gan, nơi dễ hình thành các hạt lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL), làm tăng triglyceride sau bữa ăn. Đây là một yếu tố nguy cơ mạnh gây kháng insulin, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
Không dừng lại ở chuyển hóa, đồ uống có đường còn làm tổn hại xương, răng và gan. Trẻ nhỏ uống đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ mất men răng cao gấp 2,4 lần so với uống nước lọc. Việc tiêu thụ quá nhiều đường dạng lỏng cũng làm tăng mỡ nội tạng – nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gan nhiễm mỡ và viêm gan không do rượu (NAFLD).
Gánh nặng về chi phí y tế
Tác động của đồ uống có đường không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn đặt ra gánh nặng kinh tế - xã hội. Chi phí y tế để điều trị các bệnh không lây nhiễm liên quan đến đồ uống có đường đang ngày càng lớn đối với ngân sách quốc gia.

Theo ước tính của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang phải chi hơn 1,2 tỷ USD mỗi năm cho việc điều trị béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến tiêu thụ đồ uống có đường. Ngoài ra, còn có các chi phí gián tiếp do mất năng suất lao động, tăng số ngày nghỉ ốm và giảm khả năng đóng góp kinh tế của người trẻ tuổi mắc bệnh mãn tính.
Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức y tế công cộng cho rằng, không thể chờ đợi thêm 10 - 20 năm nữa để chứng minh mối liên hệ giữa nước ngọt và bệnh tật, vì bằng chứng khoa học đã đầy đủ và rõ ràng. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ ngay từ bây giờ, nước ta sẽ phải đối mặt với một tương lai gánh nặng bệnh tật nặng nề.
Vì thế, cần nhìn nhận đồ uống có đường như một sản phẩm cần kiểm soát bằng các công cụ chính sách, gồm: Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, dán nhãn cảnh báo, hạn chế quảng cáo và tăng cường truyền thông - giáo dục cộng đồng.