Chính trị

Tăng thẩm quyền Tòa án khu vực là bước đi phù hợp

Hải Thanh- Lê Nguyên 08/05/2025 21:08

Chiều 8/5, thảo luận tại Tổ 11, ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long đã tập trung thảo luận về các dự luật sửa đổi liên quan đến tổ chức Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và Thanh tra, trong đó việc tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực được đánh giá là một bước đi chiến lược quan trọng nhằm đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp.

e1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 11. Ảnh: Khánh Duy

Tăng thẩm quyền Tòa án khu vực là bước đi phù hợp với chủ trương phân cấp

Bày tỏ sự tán thành và nhất trí cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, việc sửa đổi Luật nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy một cách đồng bộ và hiệu quả.

Tuy nhiên, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, nội dung sửa đổi tập trung vào hai vấn đề cốt lõi: sắp xếp tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân và điều chỉnh các quy định liên quan đến chế định Viện kiểm sát nhân dân. Về việc sắp xếp hệ thống, đại biểu thông tin, hệ thống tòa án và viện kiểm sát tới đây khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ được kiện toàn theo mô hình ba cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

e4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

Theo đó, sau khi sắp xếp số lượng Tòa sẽ giảm đáng kể số lượng các cơ quan này ở cấp huyện ( từ hơn 700 Tòa án nhân dân giảm xuống còn 335). Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Trung ương, song vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan khác để bảo đảm việc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo.

Liên quan đến quy định thi nâng ngạch kiểm sát viên, đại biểu Thủy đề xuất giữ nguyên tên gọi các ngạch hiện hành để tránh xáo trộn không cần thiết về mặt giấy tờ và bảo đảm tính đồng bộ với các luật khác trong khối tư pháp. Đại biểu cũng ủng hộ việc bỏ thi nâng ngạch và chuyển sang cơ chế xét chọn, tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình xét chọn từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu tin tưởng rằng, việc rà soát và bổ sung các quy định cụ thể sẽ góp phần xây dựng hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

a1.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy ( Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Đóng góp ý kiến về việc điều chỉnh tăng thẩm quyền cho Tòa án Nhân dân khu vực được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) cho rằng, việc này là khả thi và phù hợp với mô hình Tòa án nhân dân ba cấp cũng như chủ trương phân cấp, phân quyền trong ngành. Theo dự thảo, Tòa án nhân dân khu vực sẽ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù, cùng với các vụ việc dân sự, hành chính và phá sản được chuyển giao từ TAND cấp huyện và một số vụ việc từ Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu Hoàng Văn Liên giải thích, Tòa án nhân dân khu vực được thành lập trên cơ sở cơ cấu lại từ Tòa án nhân dân cấp huyện, do đó sẽ có quy mô, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ và nguồn lực được tăng cường. Tòa án Nhân dân Tối cao cũng sẽ điều chuyển cán bộ, thẩm phán có kinh nghiệm để củng cố năng lực cho Tòa án nhân dân khu vực. Đại biểu cũng nhắc lại lộ trình tăng thẩm quyền xét xử hình sự cho Tòa án nhân dân cấp huyện trong quá khứ, cho thấy ngành Tòa án đã có kinh nghiệm trong việc này. Đồng thời, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, thẩm phán ngày càng được nâng cao, bảo đảm khả năng thực thi thẩm quyền mới.

e2(1).jpg
ĐBQH Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra

Góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra ( sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức lại hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” hoặc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Cụ thể, về quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra được quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, thì một số hành vi bị nghiêm cấm vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa bao quát đầy đủ các biểu hiện vi phạm đang diễn ra trên thực tế. Vì vậy, cần làm rõ hơn những hành vi như lợi dụng quyền thanh tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn, trục lợi; hoặc việc buông lỏng trách nhiệm, bao che sai phạm. Các hành vi này phải được quy định rõ ràng để có cơ sở xử lý nghiêm minh.

dai bieu My Dung 8
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Tại Điều 10 về trách nhiệm của cơ quan thanh tra cấp tỉnh, đại biểu cho biết: Hiện nay, cơ quan thanh tra tỉnh và các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đang vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng kiêm nhiệm, chồng chéo và chưa có sự phân tách rõ ràng giữa chức năng quản lý và chức năng thanh tra. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác thanh tra, bao gồm cả việc ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chỉ đạo, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra; tổ chức bộ máy, đảm bảo kinh phí và nguồn lực cho hoạt động thanh tra. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về việc tăng cường sự giám sát của Nhân dân và MTTQ Việt Nam trong hoạt động thanh tra - nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như đầu tư công, quản lý đất đai, tài nguyên, tài chính - ngân sách. Việc giám sát xã hội sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động thanh tra và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác này.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng có nhiều ý kiến góp ý vào tổ chức cơ quan thanh tra, tiêu chuẩn thanh tra viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thẩm quyền xử phạt hành chính và ngôn ngữ pháp lý trong luật. Cụ thể, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị thống nhất quy định về cấp hành chính là "tỉnh và thành phố" thay vì phân biệt trực thuộc trung ương hay tỉnh. Đối với tiêu chuẩn thanh tra viên, cần làm rõ yêu cầu "am hiểu pháp luật" bằng các quy định cụ thể về bằng cấp hoặc chứng chỉ pháp lý phù hợp với lĩnh vực thanh tra.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra tỉnh, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề xuất trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra cho địa phương, chỉ cần báo cáo lên cấp trên; đồng thời kiến nghị rà soát thẩm quyền xử phạt hành chính, xem xét giao quyền này cho các đoàn thanh tra và cán bộ chuyên ngành có đủ năng lực.

Bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cũng cho biết, hiện nay thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính là hai mảng khác nhau, được thực hiện theo các thủ tục riêng biệt. Nhưng trong dự thảo Luật lần này, hai mảng này được hợp nhất. Việc này là cần thiết để tăng tính hiệu quả, nhưng cũng đòi hỏi phải có quy định rõ ràng về quy trình, thủ tục áp dụng cho từng loại hình thanh tra. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét nếu trong luật không thể quy định chi tiết, thì cần giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục đối với từng loại thanh tra (chuyên ngành và hành chính). Điều này sẽ giúp các cơ quan thực thi luật thuận lợi trong tổ chức và triển khai nhiệm vụ thanh tra sau khi luật được ban hành.

Hải Thanh- Lê Nguyên