Chính trị

Thể chế hóa các nội dung liên quan đến công tác thanh tra

Huỳnh Phi Long 08/05/2025 19:51

Chiều 8.5, các ĐBQH thành phố Hà Nội đã thảo luận tại Tổ 1 về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

t2.jpeg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Xây dựng dữ liệu, số hóa quy trình và hoạt động thanh tra

Góp ý về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quán triệt sâu sắc để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong các Nghị quyết, Kết luận và Chỉ thị có liên quan. Trong đó, có các nghị quyết của Bộ Chính trị số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định liên quan trong toàn bộ dự thảo Luật để thể chế hóa các nội dung liên quan đến công tác thanh tra, xây dựng dữ liệu, số hóa quy trình và hoạt động thanh tra; nghiên cứu bổ sung một điều riêng quy định về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra, bảo đảm liên thông, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan (như cơ sở dữ liệu về kiểm toán).

ĐBQH Đỗ Đức Hồng quan tâm đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra. Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành và Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đa số tán thành với quy định này. Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, vẫn còn một số ý kiến còn băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục đối với hoạt động thanh tra; về bản chất bao gồm 2 loại là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hiện đang được luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trong tổ chức triển khai thực hiện luật.

t1.jpeg
ĐBQH Tạ Đình Thi phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Để làm rõ hơn vấn đề, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà dẫn chứng, qua báo cáo của Chính phủ năm 2024 về công tác phòng chống tham nhũng thì bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra còn có hạnchế. Theo đó, một số trường hợp cán bộ thanh tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, kết luận thanh tra... gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, còn có việc chậm ban hành kết luận thanh tra vẫn còn diễn ra hoặc vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương chậm thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa có biện pháp để xử lý triệt để.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cho phù hợp nhằm khắcphục những hạn chế, yếu kém nêu trên", ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.

Bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà quan tâm đến quy định về bổ sung số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (khoản 27 điều 1). Theo đại biểu, báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2024 cho thấy, ngành kiểm sát còn để xảy ra một số hạn chế như: kháng nghị phúc thẩm án hành chính tuy đã được chấp nhận cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt tỷ lệ Quốc hội giao; vẫn còn trường hợp một số kiến nghị không được các cơ quan ban hành văn bản phúc đáp trả lời và công tác kiểm tra, phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị còn hạn chế... Nguyên nhân chủ yếu do án hành chính thường có tính chất phức tạp, đặc thù, nhất là lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai; hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ rộng trong lĩnh vực đất đai, qua nhiều giai đoạn, thời kỳ, thường xuyên có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế...

Đại biểu bày tỏ tán thành với dự thảo Luật nhưng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành nhằm thực hiện đầy đủ, đúng đắn yêu cầu của Đảng về kết thúc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và nhất là giải quyết những hạn chế.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các đại biểu cũng thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi, đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân theo mô hình tổ chức 3 cấp.

Ngoài ra, do số lượng các vụ giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao, nên nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao nặng nề. Do vậy, một số ý kiến đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tổng kết nghiên cứu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số luật về tố tụng, tránh quá tải cho Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, bao quát đầy đủ việc triển khai thi hành và nội dung chuyển tiếp, bảo đảm tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, một số đại biểu nhất trí với đề nghị tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người (theo quy định Luật hiện hành) lên 23 đến 27 người. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ vì sao tăng lên con số này, tính hợp lý của việc tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; lý giải rõ việc tăng số lượng để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ Tòa án nhân dân cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử…

Huỳnh Phi Long