Thế giới 24h

Tổng thống Donald Trump muốn giúp đỡ Ấn Độ, Pakistan hạ nhiệt căng thẳng

Quỳnh Vũ 08/05/2025 11:37

"Chúng tôi có mối quan hệ tốt với cả hai nước. Và tôi muốn thấy tình trạng căng thẳng hiện nay nhanh chóng chấm dứt. Và nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ, tôi sẽ làm", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không ngừng tăng nhiệt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đối tác của Washington là Ấn Độ và đồng minh của Mỹ là Pakistan đã "ăn miếng trả miếng", và ông hy vọng hai nước láng giềng châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân này có thể chấm dứt tình trạng leo thang hơn nữa.

trump-080525-01-1746676043.jpg
Tổng thống Donald Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên phản ứng về căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan

"Họ đang hành động theo kiểu ăn miếng trả miếng, vì vậy tôi hy vọng họ có thể chấm dứt những hành động đó ngay lập tức", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng, đồng thời nói thêm rằng ông hiểu "rất rõ" cả hai bên và muốn "thấy họ giải quyết vấn đề".

"Chúng tôi có mối quan hệ tốt với cả hai nước. Và tôi muốn thấy tình trạng căng thẳng hiện nay nhanh chóng chấm dứt. Nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ, tôi sẽ làm", Tổng thống Mỹ nói thêm. Ông đã gọi tình huống căng thẳng ngày một leo thang giữa Delhi và Islamabad là “một điều vô cùng đáng tiếc”.

"Tôi vừa nghe tin về tình hình khi bước qua cánh cửa Phòng Bầu dục... Họ đã xung đột trong một thời gian dài… Tôi chỉ hy vọng mọi chuyện có thể nhanh chóng kết thúc", ông Donald Trump nói trước đó. "Tôi đoán mọi người có thể dự đoán điều gì sẽ xảy nếu nhìn vào quá khứ xung đột giữa hai nước", ông Trump lưu ý.

Bình luận của ông Donald Trump được đưa ra sau khi Ấn Độ khai màn chiến dịch tấn công mà nước này gọi là "Chiến dịch Sindoor", nhằm vào các địa điểm ở Pakistan và phần Kashmir do Pakistan quản lý. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nước này đã phóng tên lửa vào ít nhất 9 địa điểm được cho là nơi "đã lên kế hoạch tấn công khủng bố vào Ấn Độ" và là nơi chứa chấp các phần tử đã tiến hành vụ tấn công nhằm vào các du khách người Ấn hồi giữa tháng 4.

Trong khi đó, quân đội Pakistan báo cáo rằng các cuộc không kích đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng trong đó có một trẻ em, và tuyên bố rằng các cuộc không kích này tương đương với "hành động chiến tranh". Pakistan cũng cho biết đã bắn hạ một số máy bay của Ấn Độ, và tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Ấn Độ là đối tác của Mỹ nhằm giúp Washington cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, Pakistan vẫn là đồng minh truyền thống của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, mặc dù tầm quan trọng của Islamabad đã giảm sút sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia láng giềng Afghanistan vào năm 2021.

Tổng thống Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên phản ứng với những diễn biến ở Nam Á. Trong những ngày gần đây, Washington đã liên lạc với cả hai quốc gia Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gọi điện cho cả hai nước, trước và cả sau các cuộc không kích của Ấn Độ hôm 7/5. Ông Marco Rubio ra tuyên bố cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi sát tình hình. Ông đã được Cơ quan An ninh Ấn Độ thông báo ngay sau khi chiến dịch được triển khai.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang từ cuối tháng 4 sau một cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào khu nghỉ dưỡng Pahalgam ở phần Kashmir do Ấn Độ quản lý, khiến 26 người thiệt mạng.

Không bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan, trong khi Islamabad kiên quyết bác bỏ các cáo buộc và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập. Washington đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ấn Độ vào thời điểm đó, nhưng không chỉ trích trực tiếp Pakistan.

Các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ đang tập trung nguồn lực để đạt được các mục tiêu ngoại giao trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở châu Âu và cuộc chiến của Israel ở Gaza có thể là lý do khiến Chính quyền Donald Trump để cho Ấn Độ và Pakistan tự giải quyết trong những ngày đầu của chu kỳ căng thẳng mới này. Tuy nhiên, khi sự việc đang tỏ ra vượt ra khỏi vòng kiểm soát, Mỹ có thể sẽ có can thiệp.

Quỳnh Vũ