Kỷ niệm Quốc hội khóa I (*)
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, một ngày sau ngày Tuyên ngôn độc lập (ngày 2.9.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức bầu cử sớm Quốc hội.

Người nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống..."[1].
Và ngày 8/9/1945, một tuần sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước. Và Chính phủ lâm thời đã quyết định lấy ngày 6/1/1946 làm ngày Tổng tuyển cử.
Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Cứu quốc số 130: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.
Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó...
Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thực sự là Chính phủ của toàn dân"[2].
Cuộc bầu cử diễn ra náo nức như ngày hội lớn của toàn dân tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố, các tỉnh. Riêng ở Sài Gòn (đã bị địch tạm chiếm) thì cán bộ phải mang hòm phiếu đến từng nhà để lấy phiếu bầu, đã có mấy cán bộ hy sinh trong khi đi lấy phiếu như vậy. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long thì cán bộ phải mang hòm phiếu trên đò, xuồng, chèo vào các luồng rạch để thu phiếu. Thật là một chiến dịch hào hùng, mang tính chất tráng ca, không thiếu vẻ trữ tình và nên thơ.

Ở Hà Nội, sáng 6/1/1946, tôi được cùng đi bỏ phiếu với Bác Hồ và đi thăm các điểm bỏ phiếu. Ở Hà Nội lúc ấy có 74 ứng cử viên, để bầu lấy 6 đại biểu.
Bác đến hòm phiếu phố Nhà Thờ. Mặc dù Bác có cải trang (có khăn che chòm râu...) nhưng đồng bào vẫn nhận ra Bác và hoan hô. Bác ra hiệu yên lặng và nói: Đồng bào bỏ phiếu, là lá phiếu cứu nước và dựng nước đấy. Bác đến thăm một điểm bỏ phiếu ven ngoại thành nữa, đồng bào lại hoan hô.
Bác Hồ xúc động thấy nhiều cụ già nam, nữ tay lẩy bẩy nhét lá phiếu vào hòm phiếu. Bác hỏi: Bà con có đến đông đủ bỏ phiếu không? Một cụ thưa với Bác: Trăm năm mới có một ngày, không đủ sao được! Bác tỏ vẻ hài lòng, đi qua các phố nhìn các hòm phiếu, vẫy tay chào đồng bào cử tri.
Tôi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I ở tỉnh Hà Đông, cùng cụ Bùi Bằng Đoàn, anh Xuân Thủy, anh Trần Hiệu (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông), chị Hán (Phụ nữ cứu quốc tỉnh)... Kết quả bầu cử: tôi được cao phiếu bầu nhất, rồi đến cụ Bùi Bằng Đoàn, anh Xuân Thủy...
Đoàn thể giới thiệu về tôi: "Đề nghị đồng bào bầu cho ông Cù Huy Cận, kỹ sư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Canh nông, tức là nhà thơ Huy Cận, giảng thuyết sư ở trường Đại học Văn khoa Hà Nội". Hiện nay, tôi còn giữ được mấy tờ áp phích vận động bầu cử ấy làm kỷ niệm; anh Xuân Diệu thì trúng cử ở tỉnh Hải Dương.

"Cái thuở ban đầu dân quốc ấy..."
Ngày 3.3.1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên. Có một sự kiện mà chỉ có Quốc hội nước ta mới có, đó là việc ngoài các đại biểu chính thức được bầu qua Tổng tuyển cử trong cả nước, Hồ Chủ tịch đề nghị Quốc hội chấp nhận thêm 70 đại biểu của "Việt Nam cách mạng đồng minh Hội" và của "Việt Nam Quốc dân đảng" vì vừa rồi các vị ấy không có điều kiện ra ứng cử. Quốc hội biểu quyết thông qua.
Sau đó Hồ Chủ tịch đề nghị lập "Chính phủ liên hiệp kháng chiến" và nêu danh sách Chính phủ này đã được hiệp thương giữa Việt Minh, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân đảng. Chủ tịch Chính phủ liên hiệp là Hồ Chủ tịch, Phó Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Phan Anh (không đảng phái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng), Bộ trưởng Bộ Nội vụ là cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Trong phiên họp ngày 13/9/1945, Hội đồng Chính phủ lâm thời đã quyết định lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm có 7 người: Hồ Chủ tịch làm cố vấn và các ông: Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh), Đặng Thai Mai, Cù Huy Cận, Lê Văn Giang, Dương Đức Hiền và Tâm Kính làm Ủy viên. Ông Cù Huy Cận làm Tổng thư ký của Ủy ban. Ủy ban này phải làm việc ngay lập tức và sẽ đều kỳ thông báo công việc tiến hành đến đâu cho Nhân dân biết và để thu thập ý kiến của Nhân dân về chính thể mới, chế độ mới.

Cũng phiên họp ấy, Chính phủ lâm thời đã lập Ủy ban tổ chức Tổng tuyển cử. Ủy ban này sẽ dự thảo các thể lệ về Tổng tuyển cử từ việc định số đại biểu cho toàn quốc, cho từng tỉnh theo tỷ lệ dân số, cho đến cách thức bầu cử. Ủy ban gồm các vị sau đây: ông Trần Huy Liệu, ông Vũ Đình Hòe, ông Nguyễn Hữu Đang, ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Cù Huy Cận, một người trong giới phụ nữ (bà Tâm Kính), một người trong nông giới (ông Trần Đức Thịnh), một người trong giới công chức, một người trong giới thanh niên (ông Lê Văn Giang). Ông Cù Huy Cận chịu trách nhiệm triệu tập Ủy ban và tổ chức công việc của Ủy ban. Chính phủ cũng đã quyết định chọn ngày 6/1/1946 làm ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Lúc Hồ Chủ tịch và Chính phủ lâm thời quyết định 2 việc trên đây là những ngày nước nhà đang ở trong tình trạng hết sức phức tạp, thù trong giặc ngoài quấy phá, vận nước nghìn cân treo sợi tóc. Vì thế, những việc cơ bản để an lòng dân, để dựng nước càng phải làm gấp: bầu Quốc hội và thảo Hiến pháp.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp mỗi tuần họp một lần ở phòng hóa học của trường Đại học Đông Dương cũ. Chúng tôi phác thảo Hiến pháp theo tinh thần dân chủ mới: Quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; nam nữ bình quyền; dân tộc bình đẳng; phổ thông đầu phiếu; Quốc hội gồm chỉ một viện; Chính phủ do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra và là người đại diện Nhà nước Việt Nam trên thế giới, tuyên bố về chiến tranh và hòa bình, chủ trì các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, khi cần thiết, có quyền ân xá, ân giảm tội...
Quyền dân chủ cơ bản của Nhân dân được bảo đảm, ghi trong Hiến pháp: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do cá nhân, quyền ứng cử và bầu cử, quyền cư trú và tự do đi lại trong nước... Hiến pháp cũng nêu phương hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, nền giáo dục nhân dân, nền văn hóa dân tộc.
Hiến pháp cũng nêu những nguyên tắc xây dựng chính quyền nhân dân địa phương có HĐND và Ủy ban Hành chính, đồng thời nêu rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp... Tóm lại, đây là một Hiến pháp hoàn chỉnh, kiểu mới không giống Hiến pháp chế độ đại nghị phương Tây.
Tuy nhiên, việc dự thảo Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) không đơn giản. Bên cạnh Ủy ban Hiến pháp lại có Ủy ban kiến thiết quốc gia, gọi tắt là Ủy ban kiến quốc. Trong một phiên họp tháng 10/1945, Chính phủ lâm thời đã quyết định lập Ủy ban này nhằm tập hợp những nhân sĩ, trí thức có tiếng ở Hà Nội và trong cả nước để các vị này góp ý kiến về những vấn đề quốc kế, dân sinh. Trong Ủy ban có những luật sư như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Trần Văn Chương..., những giáo sư khoa học như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, những nhà nghiên cứu văn học như Đặng Thai Mai, nhiều giáo sư đại học như Ngụy Như Kon Tum...
Một số thành viên trong Chính phủ cũng tham gia Ủy ban này. Tôi (Cù Huy Cận) cũng được chỉ định vào Ủy ban và làm thường trực của Ủy ban. Ủy ban kiến quốc có họp mấy kỳ cuối năm 1945 tại giảng đường hóa học của trường Đại học Đông Dương cũ. Ủy ban kiến quốc đã tập trung bàn nhiều về chính thể và chế độ, vì một số vị trong Ủy ban cho rằng điểm này là mấu chốt, là cơ bản... Thật ra, đây cũng là một cuộc tranh luận về chính trị, với hai quan điểm khác nhau, nếu không nói là đối lập thì cũng là tranh chấp ảnh hưởng.
Một số vị trong Ủy ban chủ trương: Ủy ban kiến quốc phải dự thảo một Hiến pháp để trình Chính phủ, song song với dự thảo của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Những vị hăng hái dự thảo Hiến pháp của Ủy ban kiến quốc là Vũ Văn Hiền, Trần Văn Chương và một số vị khác. Chính phủ biết rõ tình ý của các vị trong Ủy ban kiến quốc, nhưng không can thiệp, cứ để Ủy ban thảo luận. Tinh thần cơ bản của dự thảo của Ủy ban kiến quốc là một chế độ đại nghị với hai viện dân biểu (Hạ nghị viện và Thượng nghị viện) phỏng theo mô bản chế độ đại nghị phương Tây.
Tất nhiên, các vị làm bản dự thảo này cũng tìm cách thích nghi quan điểm của mình với tình hình thực tế của đất nước là Nhân dân đã làm Cách mạng tháng Tám, là Nhân dân đã thực sự nắm chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà Đảng lại có uy tín lớn và được sự tín nhiệm tuyệt đối của quần chúng. Và cũng tất nhiên trong Ủy ban kiến quốc đa số các vị đã tranh luận lại các quan điểm chính trị trong bản dự thảo và nêu ra những điểm cơ bản của một Hiến pháp theo chế độ dân chủ mới (lúc đó chưa có từ dân chủ nhân dân).
Về tổ chức cơ quan quyền lực tối cao, thì các vị này đương nhiên đề ra chế độ một viện duy nhất là viện đại biểu nhân dân toàn quốc, tức là Quốc hội. Về quyền và nghĩa vụ của công dân thì căn cứ theo tinh thần chính trị dân chủ mới mà đề ra những điều cụ thể. Một tinh thần nữa là làm sao cho Hiến pháp bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho công cuộc bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước.
Hai quan điểm khác nhau trong Ủy ban kiến quốc đã được báo cáo lên Chính phủ và chuyển sang Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ hợp với thời cuộc. Đầu tháng 11/1946, sau khi Hồ Chủ tịch ở Pháp về, Quốc hội đã họp kỳ thứ hai, nhất trí thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ đề nghị. Hiện nay đã có Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp thứ 4 của nước ta, nhưng Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền tảng vững chắc cho Nhà nước ta, cho chế độ ta.
Quốc hội Khóa I đã được bầu sớm, họp khẩn cấp, làm việc khẩn trương và đã đặt nền móng cho Nhà nước mới, chế độ mới. Đúng là Quốc hội lập quốc.
(*) Trích đăng theo cuốn “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2000