Giáo dục

Cần có cơ chế bảo vệ rủi ro để nhà khoa học không phải "sáng tạo trong sợ hãi"

Trang Nhung, Thanh Mai 08/05/2025 08:45

Theo ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, không nên để nhà khoa học phải "sáng tạo trong sự sợ hãi”, mà cần tạo dựng một môi trường sáng tạo an toàn và nhân văn, thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh trên con đường đổi mới sáng tạo.

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được thảo luận và dự kiến thông qua. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn đã có nhiều kiến nghị để góp ý, hoàn thiện dự thảo quan trọng này.

110520230553-dbqh-nguyen-ngoc-son-1.jpg
ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Nhiều tác động lớn đến nghiên cứu khoa học

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có nhiều điểm mới quan trọng, tác động tích cực, hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo cách tiếp cận toàn diện.

Tuy vậy, để làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần cân nhắc, xem xét một số vấn đề.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh luật, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao quát cả hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số.

Tuy vậy, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực thi, cần tách bạch rõ nội hàm của từng khái niệm trong luật, kèm các ví dụ cụ thể để dễ hình dung. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách riêng phù hợp, hiệu quả với từng nhóm đối tượng, thể chế tránh chồng lấn, trùng lặp chính sách hoặc làm loãng mục tiêu.

"Việc không có chính sách phù hợp khiến doanh nghiệp đổi mới quy trình có thể không được hưởng chính sách hỗ trợ, hoặc các đơn vị nghiên cứu khó thương mại hóa sản phẩm vì thiếu cơ chế khuyến khích sáng tạo.

Đồng thời, cần tách biệt nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành hai nội dung riêng. Một điều về nguyên tắc hoạt động và một điều về chính sách của Nhà nước đối với Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tách biệt đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và giúp triển khai thực tế thuận lợi hơn", ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

Cần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy

Về cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, dự thảo luật cần có quy định đột phá, linh hoạt và có tính khả thi cao để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ cả khu vực công và tư. Điều này thúc đẩy các chủ thể ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo hướng thực chất, có tác động mạnh mẽ, rõ ràng đến nền kinh tế.

Trong đó, cần chuyển đổi từ tư duy cấp phát sang đặt hàng và ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ khoa học và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu luật hóa cơ chế trả tiền theo kết quả đầu ra, thay về chỉ chi trả theo chi phí đầu vào. Cho phép cơ chế thử nghiệm trong quản lý tài chính đối với các mô hình sáng tạo mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, AI, chuyển đổi số, năng lượng xanh.

phong-thi-nghiem-trung-tam-cong-nghe-sinh-hoc-tp-1740413829180692152573.jpeg
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn: Cần thúc đẩy các chủ thể ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo hướng thực chất, tác động đến nền kinh tế". Ảnh minh họa

Đồng thời, tăng tính chủ động và linh hoạt cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm giải trình thay vì kiểm soát từng khoản mục. Quy định rõ và mạnh mẽ hơn về ưu đãi thuế, khấu trừ chi phí đầu tư cho R&D (Nghiên cứu và phát triển) và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Xem xét bổ sung quy định về quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được vốn khi không đủ tài sản thế chấp.

Cần cơ chế bảo vệ rủi ro để nhà khoa học yên tâm sáng tạo

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn, nhiều phát minh, sáng chế nổi tiếng đã trải qua thất bại trước khi thành công. Nếu không có cơ chế bảo vệ rủi ro chính đáng, sẽ tạo ra tâm lý sợ trách nhiệm, không dám thử nghiệm, dẫn đến trì trệ sáng tạo.

"Không nên để nhà khoa học phải "sáng tạo trong sự sợ hãi”, mà cần tạo dựng một môi trường sáng tạo an toàn và nhân văn, thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh trên con đường đổi mới sáng tạo", ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Để giải quyết bài toán này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị cần quy định cụ thể tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận theo một quy trình đánh giá rủi ro độc lập và minh bạch, có sự tham gia của hội đồng chuyên gia để phân biệt rõ giữa rủi ro khách quan trong nghiên cứu với vi phạm pháp luật, gian lận hay yếu kém trong tổ chức thực hiện. Nếu không có tiêu chí rõ ràng, dễ dẫn tới việc lợi dụng cơ chế này để hợp thức hóa sai phạm.

Bên cạnh đó, cần quy định cơ chế bảo vệ người thực hiện và quản lý nhiệm vụ trước áp lực kiểm tra, thanh tra hậu kiểm, để họ yên tâm sáng tạo, nhất là trong các nhiệm vụ nghiên cứu đột phá, công nghệ mới.

Một chủ trương quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, việc đánh giá giá trị tài sản trí tuệ dễ dẫn tới tranh chấp hoặc định giá thiếu minh bạch.

"Bên cạnh việc thưởng cho tác giả và người tham gia thương mại hóa, tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm phần lợi nhuận tái đầu tư trở lại hoạt động nghiên cứu một cách hợp lý, tránh tình trạng sử dụng dàn trải cho các hoạt động khác, làm mất mục tiêu phát triển bền vững nghiên cứu khoa học", ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn nêu ý kiến.

Trang Nhung, Thanh Mai