Bộ Y tế triển khai đợt cao điểm về chống thuốc và thực phẩm chức năng giả
Trước thực trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng ngày càng phức tạp, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 07/5 và phát động đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trên toàn quốc kéo dài đến hết tháng 5/2025.
Luôn lấy người dân, người bệnh làm trung tâm
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Chúng ta luôn lấy người dân, người bệnh làm trung tâm. Phải đảm bảo họ được tiếp cận sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý... Không thể để kiểm tra xong là lập biên bản cho có. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, phải truy đến tận nơi sản xuất, tận nguồn nhập khẩu và xử lý đến cùng.”
Ngoài ra, những bất cập lớn trong quản lý thực phẩm chức năng hiện nay gồm: Cơ chế tự công bố sản phẩm quá dễ dãi; Thiếu hệ thống thu hồi sản phẩm vi phạm; Cơ sở đăng ký doanh nghiệp thành lập dễ, khó kiểm soát; Thiếu đồng bộ công nghệ thông tin giữa các đơn vị quản lý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu sửa đổi Nghị định 15, siết chặt quy trình tự công bố, tăng cường hậu kiểm và chỉ cho phép lưu hành sản phẩm khi đáp ứng đầy đủ điều kiện. Đẩy mạnh truyền thông tới người dân để hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng, không mua thuốc không rõ nguồn gốc.
Thứ trưởng đề nghị đề nghị 63 tỉnh, thành phố triển khai đợt cao điểm từ nay đến hết tháng 5/2025 trong đấu tranh phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và báo cáo kết quả báo về Bộ Y tế trước ngày 10/6.
Đồng thời, cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm đột xuất để phát hiện các vi phạm và xử lý nghiêm. Sau khi tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/6 tới.
Chế tài xử phạt hiện tại chưa đủ răn đe
Theo ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), chế tài xử phạt hiện tại chưa đủ răn đe – có khi thuốc giả vài trăm nghìn đồng nhưng phạt chỉ vài triệu. Phải tăng nặng chế tài, thậm chí truy tố hình sự nếu cần. Cần phối hợp chặt chẽ với công an, quản lý thị trường để truy tận gốc các đường dây sản xuất thuốc giả như vụ Thanh Hóa vừa qua.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 45 về việc xử lý triệt để các hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa giả.
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho biết, thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg, Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện nay, Bộ Y Tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc.
Các giải pháp này bao gồm: Rà soát các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường chế tài xử lý để đảm bảo tính răn đe; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, kết nối liên thông các cơ sở kinh doanh dược để truy xuất thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường để xử lý các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định.
Cũng theo ông Hùng, bên cạnh các giải pháp tổng thể và dài hạn đã nêu, Bộ Y tế cũng triển khai các giải pháp trước mắt.
Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn thuốc giả.
Bộ Y tế cũng yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ và đột xuất.
Ngoài ra, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kinh phí cho hoạt động lấy mẫu, mua mẫu, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại địa phương.