Chuẩn bị kỹ lưỡng để bộ máy hành chính mới hoạt động hiệu quả
Không dừng lại ở việc tán thành cao chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, một trong những mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh là việc bảo đảm bộ máy hành chính của các đơn vị cấp xã mới có thể đi vào hoạt động một cách thông suốt, hiệu lực và hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2025.
Không để xảy ra gián đoạn
Với tinh thần trách nhiệm cao, trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng này, các đại biểu HĐND tỉnh đã rất tích cực thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu HĐND tỉnh là việc bảo đảm bộ máy hành chính của các đơn vị cấp xã mới có thể đi vào hoạt động một cách thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2025.

Theo đại biểu HĐND tỉnh Đào Biên Thuỳ, việc chuẩn bị kỹ lưỡng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức một cách hợp lý là hết sức cần thiết. Mục tiêu là bảo đảm chính quyền địa phương có thể giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp một cách liên tục, không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất UBND tỉnh sớm chỉ đạo rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch vùng xã đến năm 2030 (tầm nhìn đến năm 2050) và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 để phù hợp với sự thay đổi về địa giới hành chính.
Đại biểu Đào Biên Thùy cũng nhấn mạnh, cần có chủ trương để các địa phương tiến hành rà soát, sắp xếp các thôn, khu dân cư sao cho phù hợp với cơ cấu tổ chức của các đơn vị hành chính xã, phường mới sau khi sáp nhập. Đặc biệt, ông Thùy cũng lưu ý đến việc ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương như Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái… Cơ chế này cần tập trung vào các lĩnh vực như phát triển trồng rừng, nông nghiệp, hỗ trợ việc làm, bảo hiểm y tế, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng và có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm việc tại các địa bàn này.
Bảo đảm quyền lợi cho người dân, cán bộ
Những lo ngại về việc chia cắt địa giới hành chính, khó khăn trong giao thông đi lại, khoảng cách địa lý giữa các khu dân cư, cũng như việc bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính không bị gián đoạn, công tác bố trí cán bộ và xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đã được nhiều đại biểu HĐND tỉnh thẳng thắn nêu ra. Để giải quyết những thách thức này, đại biểu HĐND tỉnh La Thị Thủy đề xuất cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong giai đoạn chuyển đổi.
Đại biểu La Thị Thủy cũng đề nghị tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập. Một vấn đề quan trọng khác được bà Thủy đề cập là cần có giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề dôi dư cán bộ, công chức khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Trong đó, việc xây dựng chính sách với cơ chế tài chính phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc, bảo đảm ổn định đời sống và tạo cơ hội việc làm mới là vô cùng cần thiết.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình về sự cần thiết của việc thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và rõ ràng cho các đơn vị hành chính mới về quản lý kinh tế, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai và các lĩnh vực khác để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu của cử tri. Đồng thời, việc xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng và phân công nhiệm vụ phù hợp cho từng cán bộ, công chức sẽ giúp bộ máy chính quyền nhanh chóng ổn định và hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại toàn bộ trụ sở, tài sản công của các đơn vị hành chính sau sắp xếp để có phương án sử dụng, bố trí hợp lý, tránh lãng phí.