Nghiên cứu, thống nhất vai trò giám sát của HĐND khi chuyển đổi mô hình 2 cấp
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều 7.5 về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, để đảm bảo quá trình chuyển đổi mô hình từ 3 cấp sang 2 cấp diễn ra thông suốt, không gây xáo trộn, không làm gián đoạn công việc cần nghiên cứu rà soát về chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND).
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 5 Dự thảo luật quy định: “HĐND … giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương…”. Tuy nhiên, tại khoản 9, Điều 15 và khoản 8, Điều 21 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, HĐND xã quy định: “Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân cùng cấp…”.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, tại khoản 1 Điều 5 như dự thảo luật quy định HĐND giám sát hoạt động của "các cơ quan nhà nước ở địa phương", trong khi Điều 15 (cấp tỉnh) và Điều 21 (cấp xã) lại liệt kê cụ thể các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. Sự thiếu thống nhất này có thể gây khó khăn trong việc xác định phạm vi giám sát.
“Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý Khoản 1 Điều 5 để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ và thống nhất với phạm vi giám sát được quy định cụ thể tại Điều 15, Điều 21”, đại biểu Trần Thị Vân nêu.
Về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3, Điều 5 dự thảo luật, ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị bổ sung tiêu chuẩn: "Có năng lực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương". Theo đó, đại biểu HĐND không chỉ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thực thi. Việc bổ sung tiêu chuẩn này nhằm nhấn mạnh yêu cầu về năng lực thực chất, đảm bảo đại biểu có đủ khả năng thực hiện hiệu quả vai trò lập pháp (ở địa phương) và giám sát, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Liên quan đến một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND (Điều 31), việc phê chuẩn Phó Trưởng Ban HĐND tại khoản 7 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân “Quyết định số lượng thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình. Phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Trưởng Ban, Ủy viên của Ban của Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân”.
ĐBQH Trần Thị Vân bày tỏ băn khoăn về việc quy định Thường trực HĐND phê chuẩn danh sách và cho thôi làm Phó Trưởng ban chuyên trách bởi đây là chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (đối với cấp tỉnh). Việc phê chuẩn chỉ bởi Thường trực HĐND là chưa phù hợp với quy trình công tác cán bộ và nguyên tắc hoạt động tập thể, quyết định theo đa số của HĐND. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và có thể quy định chức danh Phó Trưởng ban chuyên trách do HĐND bầu hoặc theo quy trình chặt chẽ hơn, phù hợp đối với quy định về công tác cán bộ.
Tại Khoản 2, Điều 41 quy định về cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (Điều 41), đại biểu đề nghị bổ sung các hình thức "tạm đình chỉ công tác", "đình chỉ công tác" để đảm bảo tính đầy đủ và linh hoạt trong xử lý vi phạm theo quy định. Và sửa khoản 2 thành “2. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.”
Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, trong thực tiễn công tác cán bộ, trước khi đi đến quyết định cách chức, thường có các bước xử lý như tạm đình chỉ công tác để xem xét, kiểm tra hoặc đình chỉ công tác khi có vi phạm rõ ràng. Việc chỉ quy định "cách chức" là chưa đầy đủ các biện pháp xử lý cần thiết.