Chính trị

Siết kỷ luật, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh chuyển đổi số

Hải Thanh - Lê Bình 07/05/2025 20:05

Chiều 7/5, tại Tổ 11 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long đã thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Các đại biểu đồng tình với việc ban hành luật mới và đề xuất siết chặt kỷ luật công chức, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, quản lý theo vị trí việc làm, đồng thời có chính sách rõ ràng để thu hút, giữ chân người tài.

Thu hút và giữ chân người tài: Cần định nghĩa rõ ràng và có chính sách đồng bộ

Góp ý về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức, đa số ĐBQH bày tỏ sự đồng thuận cao với sự cần thiết ban hành Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng luật mới cần thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, quy định và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ. Mục tiêu là bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình mới, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm, cũng như thu hút và trọng dụng người tài năng vào làm việc trong hệ thống chính trị.

toan canh 7
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 11 chiều ngày 7/5. Ảnh: Khánh Duy

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa và cụ thể hóa các quy định liên quan đến cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động công vụ. Một đề xuất quan trọng được các đại biểu đưa ra là bổ sung quy định về xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức. Điều này được xem là một nội dung then chốt trong quản lý cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu của môi trường điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

DB Doi 7
Đại biểu Hoàng Thị Đôi ( Sơn La) phát biểu thảo luận chiều 7/5. Ảnh: Khánh Duy

Góp ý kiến cụ thể vào Điều 31 của dự thảo Luật, ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) đề nghị bỏ điểm a và b tại Khoản 2, đồng thời bổ sung nội dung: "Công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét cho thôi việc, trừ trường hợp có lý do khách quan, bất khả kháng được xác minh rõ ràng". Đại biểu kiến nghị quy định việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ theo hướng này.

Lý giải cho đề xuất trên, ĐBQH Hoàng Thị Đôi cho rằng: quy định hiện hành về việc công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ mới bị xem xét cho thôi việc đã không còn phù hợp với bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt sắp xếp tinh gọn hệ thống chính trị và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW đến năm 2030. Theo đại biểu, quy định cũ có nguy cơ tạo ra "điểm nghẽn" trong việc sàng lọc và xử lý những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc. Việc chờ đợi đến 2 năm để xử lý một trường hợp yếu kém là quá chậm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy và có thể dẫn đến tâm lý né tránh, nể nang trong công tác đánh giá. Hơn nữa, nếu không có quy định chặt chẽ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể được luân chuyển hoặc bố trí lại thay vì bị cho thôi việc, làm chậm việc thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế thực chất.

Do đó, ĐBQH Hoàng Thị Đôi đề nghị, dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng cho phép cơ quan quản lý công chức có thể xem xét và cho thôi việc ngay khi công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, trừ các trường hợp có lý do khách quan, nhằm bảo đảm nguyên tắc làm việc hiệu quả, trách nhiệm và đồng bộ với yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị.

Ba My Dung 7
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại thảo luận Tổ. Ảnh: Lê Bình

Cũng góp ý vào Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đưa ra ý kiến và đề xuất một số vấn đề liên quan đến quản lý và đánh giá cán bộ, công chức trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự. đại biểu Mỹ Dung cho rằng, để hoàn thiện dự thảo luật và xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và minh bạch, đúng với tinh thần phục vụ Nhân dân, dự thảo Luật cần được sửa đổi theo hướng quản lý công chức dựa trên vị trí việc làm và kết quả đầu ra, thay vì chỉ dựa vào phẩm chất hay ý thức chủ quan. Nhấn mạnh: mặc dù dự thảo tại Điều 29-30 đã đề cập đến các tiêu chí đánh giá như công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều, năng lực tập hợp, đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, vị trí việc làm, đại biểu cho rằng một số tiêu chí vẫn mang tính định tính, dễ phát sinh sự chủ quan trong áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung quy định về vai trò của tổ chức đoàn thể và cấp ủy trong việc giám sát đánh giá.

Liên quan đến khen thưởng và kỷ luật công chức được quy định trong dự thảo Luật, ĐBQH Mỹ Dung cho rằng dự thảo Luật đã khắc phục được bất cập, thu hẹp khoảng trống pháp lý, tăng cường tính răn đe và minh bạch trong xử lý kỷ luật, đồng thời khuyến khích động lực làm việc thông qua các hình thức khen thưởng. Tuy nhiên, tại Điều 43 quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền), đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc chưa xem xét kỷ luật đối với công chức đang mang thai và nghỉ thai sản (trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng). Bởi đây là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo vệ bà mẹ và trẻ em, được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật hiện hành.

Bui Van Nghiêm 7
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long) góp ý tại thảo luận tổ chiều 7/5. Ảnh: Khánh Duy

Về chính sách thu hút nhân tài, ĐBQH Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long) góp ý dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng và cụ thể hơn, đặc biệt là định nghĩa thế nào là "người tài năng" và "người giỏi". Đại biểu cho rằng thực tế thời gian qua, chúng ta mới chỉ chú trọng đến chính sách thu hút mà chưa có chính sách hiệu quả để giữ chân người tài. Do đó, chính sách thu hút và giữ chân cần phải được thực hiện đồng bộ.

Thống nhất tên gọi ban HĐND xã, gỡ vướng hội thẩm tòa án huyện

Góp ý về dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) đã có nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung vào các vấn đề then chốt. Cụ thể, bày tỏ sự đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp về sự cần thiết thống nhất tên gọi các Ban của HĐND cấp xã, đại biểu cho rằng: việc quy định thống nhất thành Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hoá - Xã hội là phù hợp, đồng bộ và sát với thực tiễn đời sống, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển giao về cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp hành chính. Với khối lượng công việc ngày càng tăng tại cấp cơ sở, việc giám sát của HĐND trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội càng trở nên quan trọng.

Đại biểu cũng viện dẫn Điều 21 của dự thảo Luật, cho thấy sự mở rộng chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự giám sát tương ứng từ các ban chuyên môn của HĐND.

Db Trần Quốc Quân 7
Đại biểu Trần Quốc Quân tại phiên thảo luận tổ chiều 7/5. Ảnh: Lê Bình

Vấn đề thứ hai được ĐBQH Trần Quốc Quân đề cập là quy định về xác định “khóa” của HĐND khi thành lập mới hoặc sáp nhập đơn vị hành chính. Ông cho rằng: việc tính lại khóa từ đầu theo Điều 46 là chưa hợp lý và đề nghị chuyển nội dung này lên Điều 44 để phù hợp hơn với các tình huống tổ chức lại chính quyền địa phương.

Đặc biệt, ĐBQH Trần Quốc Quân nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc xây dựng điều khoản chuyển tiếp đối với Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện tại Điều 54. Trong bối cảnh Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ chuyển đổi thành mô hình Tòa án nhân dân khu vực sau ngày 1/7/2025, việc thiếu một quy định rõ ràng sẽ gây khó khăn trong việc chuyển giao hội thẩm nhân dân (do HĐND huyện bầu) sang Tòa án khu vực, có nguy cơ tạo ra khoảng trống pháp lý. Do đó Ban soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo.

Nguyên thi thuy 7
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Về Điều 29 liên quan đến cơ cấu tổ chức HĐND, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ băn khoăn về quy định Trưởng ban HĐND cấp xã hoạt động không chuyên trách, trong khi Chủ tịch HĐND tỉnh có thể chuyên trách và có Phó Chủ tịch chuyên trách. Đại biểu lo ngại tình trạng HĐND cấp xã không có đại biểu chuyên trách, từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch đến Trưởng, Phó ban và Ủy viên đều không chuyên trách, sẽ làm giảm vai trò và trách nhiệm của cơ quan dân cử trong việc kiểm tra, giám sát và quyết định các vấn đề của địa phương. Đại biểu Thủy cho rằng: quy định "có thể" không chuyên trách có thể dẫn đến tình huống HĐND cấp xã thiếu vắng những đại biểu hoạt động chuyên nghiệp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.

Liên quan đến phân loại đơn vị hành chính được quy định tại Điều 3, dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) đề nghị bỏ từ "miền núi" tại khoản 2, Điều 3 để thống nhất với quy định tại khoản 2, Điều 1 và phù hợp với Hiến pháp (dự kiến sửa đổi). Bà cho rằng việc phân loại nên dựa trên đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Ho Kim Ngan 7
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Đối với dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng: Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cần cụ thể hóa hơn nữa thế nào là "trường hợp đặc biệt". Đại biểu cho rằng, cần phải định nghĩa rõ hơn thế nào là trường hợp đặc biệt để có cơ sở chỉ định người không phải là đại biểu HĐND vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của HĐND cấp tỉnh và cấp xã. Việc giữ nguyên như hiện tại sẽ rất khó thực hiện.

Hải Thanh - Lê Bình