Thời sự Quốc hội

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi): Cân nhắc quy định chế độ làm việc từ xa

Trần Tâm 07/05/2025 19:03

Chiều 7/5, thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các đại biểu Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) đề nghị, dự án luật nên có quy định về chế độ làm việc để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa đối với một số vị trí không trực tiếp làm việc với công dân. Cùng với đó, cần tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc qua các sản phẩm cụ thể.

Cần tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc qua sản phẩm cụ thể

Quan tâm đến chế độ làm việc của cán bộ, công chức, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét cơ chế để cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay.

“Ngoại trừ những vị trí công việc trực tiếp phải tiếp công dân, những vị trí khác có thể làm việc từ xa, làm việc online, quản lý trên các sản phẩm công việc cụ thể, trên hiệu quả công việc chứ không nhất thiết cứ đúng giờ thì vào cơ quan, hết giờ thì xách cặp về. Quan trọng nhất là đánh giá qua hiệu quả công việc”, đại biểu phân tích.

dsc_2448.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng cho rằng, quy định như trên là hết sức ý nghĩa trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vì một số địa phương, cán bộ, công chức có thể phải đi hàng trăm cây số để về trung tâm làm việc. Để thực hiện thuận lợi quy định này, đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lần này, nên có quy định về chế độ làm việc để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa đối với một số vị trí không trực tiếp làm việc với công dân. Cùng với đó, cần có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc qua các sản phẩm cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng đề nghị cho phép được cộng dồn những ngày nghỉ phép trong năm hoặc cộng dồn trong suốt thời gian làm cán bộ, công chức để khi cần thì có thể sử dụng. Nhấn mạnh đây là những quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, đại biểu đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần cập nhật, bổ sung vào để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Hỗ trợ điều kiện tốt nhất về nhà ở cho cán bộ, công chức

Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, khoản 3, Điều 10 có quy định “Cán bộ, công chức được quyền được bố trí, thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền”. Đây là chính sách nhân văn được dư luận quan tâm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị nên xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các đối tượng ưu tiên, điều kiện được bố trí thuê, mua các nhà công vụ.

“Thực tế việc bố trí nhà ở công vụ và tạo điều kiện cho thuê còn rất khó khăn. Do vậy, việc sắp xếp bố trí, đối tượng ưu tiên và các điều kiện khác nếu đưa vào dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai”, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ.

dsc_2479.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng nêu rõ: “Tới đây, chúng ta sẽ thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức khi về các địa phương mới sẽ rất khó khăn trong việc bố trí về nhà ở. Mặc dù trong dự thảo luật đã quy định rất rõ cán bộ, công chức được quyền có nhà ở công vụ và được quyền thuê, tuy nhiên các điều kiện để thực hiện nội dung này còn khó khăn, trong khi cơ sở vật chất của nhiều địa phương vẫn chưa bảo đảm”.

Đại biểu mong muốn, trong dự án luật sẽ có những quy định tạo thuận lợi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện để giúp cho các địa phương chuẩn bị điều kiện, nguồn lực thực hiện việc hỗ trợ các điều kiện làm việc tốt nhất cho các cán bộ, công chức.

“Dự án luật nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hình thức các đối tượng được thuê, mua ưu tiên từ trên xuống thuộc diện Ban Thường vụ quản lý, lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ công chức được hưởng chế độ chính sách. Như vậy sẽ bảo đảm tính công bằng và tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện thuận lợi”, đại biểu nêu quan điểm.

Khoản 7, Điều 10 dự thảo quy định: “Được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật”. Theo các đại biểu, đây là quy định rất mới được nhiều cử tri, cán bộ, công chức quan tâm, đánh giá cao, phù hợp đáp ứng được thực tiễn hiện nay và phù hợp với Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và dự án Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

dsc_2457.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ chiều 7/5. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về định lượng tiêu chí “đổi mới, sáng tạo”. Bởi việc hướng dẫn cụ thể thế nào là đề xuất đổi mới, tiêu chuẩn nào để xác định “thiệt hại trong phạm vi chấp nhận được”, dẫn đến dễ tranh cãi hoặc lợi dụng, khó có thể thực hiện đồng nhất trong thực tế. Đại biểu đề nghị, dự án luật cần xem xét quy định rõ ràng cụ thể để việc thực hiện thuận lợi và dễ dàng trong quá trình tổ chức sau này.

Về Điều 24 tuyển dụng công chức của dự án luật, các đại biểu cho rằng, việc tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận là quy định mới. Quy định này sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng, cho phép tuyển người có tài năng, kinh nghiệm thực tiễn ngay mà không phải trải qua kỳ thi công chức truyền thống. Việc tiếp nhận cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian, thủ tục tuyển dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết, nhất là ở vị trí cấp bách hoặc chuyên môn cao. Mặt khác, cũng khuyến khích việc dịch chuyển trong hệ thống chính trị, khuyến khích hệ thống chính trị thu hút nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí “tài năng”, “có kinh nghiệm”; cân nhắc bỏ hoặc làm rõ cụm “các trường hợp khác trong hệ thống chính trị” để tránh tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm trong quá trình tuyển dụng. Ngoài ra, xem xét bổ sung quy định người tiếp nhận phải trải qua phỏng vấn chuyên môn hoặc đánh giá độc lập bởi hội đồng thẩm định trước khi ra quyết định tuyển dụng.

Trần Tâm