Chính trị

Làm rõ thêm thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm

Trọng Hiếu 07/05/2025 17:57

Chiều 7.5, thảo luận tại Tổ 12 (Đoàn Gia Lai, Ninh Bình, Hưng Yên, Đà Nẵng), đóng góp vào dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong đánh giá công chức; mở rộng đối tượng ủy quyền; phân quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với cấp xã…

Cần tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong đánh giá công chức

3w2a8383.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (Đoàn TP. Đà Nẵng) điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp về dự án Luật. Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội Khóa XII thông qua năm 2008 và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019. Dự án Luật Cán bộ, công chức là một trong các dự án luật quan trọng để trình Quốc hội xem xét, thông qua Kỳ họp thứ Chín này.

3w2a8313.jpg
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) góp ý vào dự án Luật Cán bộ, công chức

Thống nhất việc sửa đổi dự án Luật này để phù hợp với chủ trương mới về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, song đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, về đánh giá công chức, mục đích là “để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận” là nội dung mới sửa đổi lần này.

Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định tiêu chí rõ ràng, minh bạch, bảo đảm việc gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiêu chí đánh giá tự động để theo dõi, lưu trữ, phân tích kết quả công tác của công chức khách quan, tránh đánh giá bằng cảm tính, bảo đảm công bằng, minh bạch trong quá trình sàng lọc.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng đề nghị làm rõ thêm về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm. Theo đó, cần xác lập vị trí việc làm rất rõ để khẳng định rằng, vị trí việc làm là trung tâm của quản lý công chức. “Trước đây chủ yếu là ngạch nhưng bây giờ vị trí việc làm là cốt lõi, là trung tâm và ngạch sẽ đi theo vị trí việc làm đó để bổ nhiệm cho phù hợp với vị trí việc làm. Đối với lãnh đạo, sẽ được bổ nhiệm theo quy định nhưng phải quy định rất rõ về cơ cấu, cụ thể khi bổ nhiệm vào các ngạch công chức và lấy gốc là vị trí việc làm” - đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu.

3w2a8301.jpg
Các đại biểu tham gia phiên họp tổ chiều 7/5

Đối với các chính sách bổ sung liên quan đến hợp đồng chuyên gia, đại biểu đề nghị rà soát thêm nhằm đánh giá kỹ tác động. Bởi sẽ có phát sinh thêm các hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức, tức là thực hiện nhiệm vụ, vị trí việc làm của công chức nhưng ký hợp đồng có thời hạn.

Mặt khác, đại biểu băn khoăn, trong dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung chính sách mới cần đến ngân sách nhà nước. Cụ thể như, các vấn đề chính sách trọng dụng nhân tài quy định tại Điều 5 hay những ưu đãi cho công chức làm việc ở các vùng đặc biệt khó khăn như ở Điều 11, đặc biệt là kinh phí giải quyết chế độ, chính sách cho công chức cấp xã sau sắp xếp. Để dự án luật có tính khả thi cao, cần có những đánh giá tác động rất cụ thể đối với ngân sách nhà nước hằng năm cũng như 5 năm để có kế hoạch dự trù nguồn ngân sách dành cho các chế độ, chính sách được thiết kế trong luật.

Phân định rõ quyền - trách nhiệm giữa HĐND và UBND

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, nhất trí cao việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn.

3w2a8327.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) phát biểu

Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đề nghị, trong dự thảo luật cần phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa HĐND và UBND để bảo đảm tính thực tiễn.

Trong điều kiện chỉ còn chính quyền 2 cấp, quy mô quản lý cấp xã lớn hơn, đầu mối quản lý cấp tỉnh nhiều hơn và phải tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Do đó, đề nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm tại Điều 14, đối tượng ủy quyền có thể mở rộng đến các cơ quan, đơn vị, lực lượng khác của nhà nước ở địa phương như: lực lượng công an, quân đội, biên phòng, kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng thì có thể ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý hành chính nước và cung cấp dịch vụ công cho các lực lượng này nhằm linh hoạt trong cơ chế quản lý, tối ưu hóa nguồn lực, gắn bó tình quân dân, củng cố thế trận nhân dân, tiết kiệm chi phí và giải quyết khó khăn về khoảng cách địa lý cho cả chính quyền và Nhân dân.

Góp ý cụ thể vào dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, tại Điều 9 cần bổ sung nội dung về việc Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất với Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật.

3w2a8348.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà ( Ninh Bình) phát biểu

Bày tỏ quan tâm về thẩm quyền tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP. Đà Nẵng) đề nghị phân quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với cấp xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho địa phương trong tổ chức cấp chính quyền cấp xã phù hợp tình hình thực tế, diễn biến đời sống kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở địa phương, quy mô diện tích, dân số và trình độ quản lý, mức độ ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước.

3w2a8309.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) góp ý vào dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Trường hợp đối với xã vùng biên giới, hải đảo và xã giáp ranh giữa 2 tỉnh thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để bảo đảm vai trò kiểm soát và thống nhất trong quản lý nhà nước, cũng như dự lường các yếu tố phức tạp bên ngoài phạm vi quản lý của một địa phương.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, quá trình tổ chức mô hình chính quyền cấp xã mới chắc chắc sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn và pháp lý cần hoàn thiện song, không vì thế mà chúng ta đưa ra các chế định dẫn đến tập trung quyền lực ở cấp tỉnh, cần kiên định nguyên tắc trao quyền cho cấp xã. Trong quá trình đó, các cơ quan Trung ương và cấp tỉnh có vai trò và trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ mọi mặt như: hỗ trợ nhân lực, đào tạo chuyên môn, chuyển giao công nghệ, dữ liệu và ứng dụng trong giai đoạn đầu để ổn định, hoàn thiện mô hình, giúp cho chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Do đó, đề nghị Tại Khoản 4, Điều 11 cân nhắc không nên bổ sung quy định “Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã” để phát huy tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Trọng Hiếu