Xã hội

Hải Phòng tổ chức hội thảo 70 năm xây dựng và phát triển

Kim Thu 07/05/2025 14:55

Hội thảo khoa học “70 năm xây dựng và phát triển Hải phòng - thành tựu và khát vọng vươn mình” sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức vào 8h, ngày 9/5/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Nhà khách thành phố (Số 18 Hoàng Diệu, Hồng Bàng, Hải Phòng).

Khẳng định thành tựu toàn diện sau 70 xây dựng và phát triển

Hội thảo được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Lê Tiến Châu chủ trì.

Hội thảo gồm 3 phần lớn, thể hiện cho ba thời kỳ lịch sử của thành phố: Giải phóng Hải Phòng và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1955-1975); Những thành tựu trong công cuộc đổi mới (1975-2025) và Hải Phòng khát vọng vươn mình.

488897938_970213171988740_311320343023075397_n638796945604224074.jpg
70 năm xây dựng và phát triển Hải phòng

Hội thảo được tổ chức với mục đích tổng kết, nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được qua 70 năm xây dựng và phát triển thành phố với nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện. Những đóng góp to lớn và vị thế rất quan trọng của thành phố đối với sự phát triển chung của đất nước và khu vực. Qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào, khích lệ, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, đất và người Hải Phòng, tinh thần đoàn kết, - trí tựu lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của Đảng bộ, chính quyền quân và dân thành phố Hải Phòng.

Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nghiên cứu những lợi thế, tiềm năng để bổ sung những góc nhìn mới, vấn đề mới, hiểu biết mới. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm kế thừa truyền thống, phát huy những thànhtựu 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu phát triển, khát vọng vươn mình của thành phố Hải Phòng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Luôn “đi trước về sau”

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, Hải Phòng luôn là địa phương “đi trước về sau”. Thời phong kiến, kẻ thù xâm lược đều qua vùng đất này theo sông Bạch Đằng để tiến vào Thăng Long - Hà Nội. Khi rút chạy, chúng theo đường sông Bạch Đằng.

anh-70-nam.jpg
Trận tập kích sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954 phá hủy 59 máy bay, cùng nhiều vũ khí của địch. Ảnh: ITN

Trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam, sau khi đánh chiếm Nam Kỳ, năm 1872, quân Pháp đã theo sông Cấm tiến vào và sau đó đánh chiếm thành Thăng Long. Năm 1946, theo Hiệp định Sơ bộ, ngày 6/3, quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng rồi tiến vào Thủ đô Hà Nội và năm 1954-1955, Hải Phòng trở thành khu vực tập kết trước khi chúng rút khỏi miền Bắc. Với sự đấu tranh quyết liệt của quân và dân Hải Phòng buộc thực dân Pháp phải thi hành Hiệp định Genève. Trước khi bộ đội tiến vào giải phóng thành phố, Đội hành chính đã vào trước để tiếp nhận bàn giao các cơ sở hành chính, kinh tế.

Tiếp theo, từ tháng 4/1955, các địa phương của Hải Phòng lần lượt được giải phóng. Đến ngày 16/5, khi quân Pháp rút khỏi đảo Cát Bà, miền Bắc sạch bóng quân xâm lược. Thành phố Hải Phòng được giải phóng có ý nghĩa vô cùng quan trọng như hội nghị Bộ Chính trị, tháng 9/1954, đã đánh giá: “Việc chúng ta tiếp quản được những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… khiến chúng ta không những có nông thôn, mà còn có thành thị, đường sắt, cửa biển, vùng công nghiệp… Đó là một biến đổi lớn, ta có đủ điều kiện kiến thiết theo quy mô một quốc gia”.

Thực vậy, Hải Phòng là thành phố Cảng giao thương quốc tế duy nhất, là đầu mối giao thông và trung tâm công nghiệp của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Do vậy, trong 10 năm khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế-văn hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần về thăm động viên và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng.

picture3-e9021fe36fd64a5fabc206588c4aea4d.jpg
Chiếc tàu chở quân Pháp cuối cùng rút khỏi thành phố Hải Phòng tại Bến Nghiêng - Đồ Sơn ngày 15/5/1955. Ảnh: ITN

Làm theo lời Bác, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hải Phòng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo mô hình xây dựng tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa, mà con chim đầu đàn là Tổ đá nhỏ ca A nhà máy Xi măng Hải Phòng (còn duy trì đến hiện nay); phong trào “Sóng Duyên Hải” về hội thi thao diễn kỹ thuật, tăng năng suất lao động của công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải được Hồ Chủ tịch phát động trong toàn miền Bắc. Nhiều nhà máy, xí nghiệp và cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Mười năm 1965-1975, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Hải Phòng đã kiên cường vừa sản xuất vừa chiến đấu góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, tiếp nhận sự viện trợ của các nước bạn bè trên thế giới chuyển đến mặt trận.

Hải Phòng là nơi xuất phát Đường Hồ Chí Minh trên biển và chi viện hàng vạn con em lên đường cùng đồng bào miền Nam đánh giặc. Quân và dân Hải Phòng đã cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu kiên cường đập tan cuộc tập kích bằng pháo đài bay B.52 của giặc Mỹ, làm lên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Khi tổng kết hai cuộc kháng chiến, nhiều nhà máy, xí nghiệp, đơn vị, xã, phường, thị trấn, khu phố, quận, huyện và cá nhân đã được Nhà nước tuyên dương, phong tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ khi đất nước thống nhất và thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng sáng tạo ra cơ chế khoán mới trong nông nghiệp, phương châm về công tác dân vận “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phong trào “Xóa nhà tranh, vách đất”…

Trong gần hai chục năm, Bộ Chính trị đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng (số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003, về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019, về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”) tạo cơ sở cho Hải Phòng tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

Kim Thu