Văn hóa - Thể thao

71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025)Điện Biên Phủ - Góc nhìn phía bên kia

Hải Đường 07/05/2025 07:58

Với độ lùi thời gian 71 năm, tư liệu về Điện Biên Phủ ngày càng dồi dào và sáng rõ với nhiều chiều tiếp cận. Từ góc nhìn của Pháp, trận chiến này là thất bại nặng nề, cũng là bài học về đánh giá sai lầm khả năng và quyết tâm của quân - dân Việt Nam.

Từ “niềm tin trọn vẹn”…

Một trong những bí mật quốc gia lớn nhất của Pháp trong thế kỷ XX là việc thảm bại khó tin tại Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền Pháp phải thành lập một Ủy ban điều tra quân sự vào ngày 31/3/1955. Mọi thông tin về Ủy ban này bao gồm 22 cuộc điều trần và những kết luận cuối cùng đã được giữ kín ở mức “tuyệt mật” và chỉ được giải mật vào năm 2005.

dbp.jpg
Cuốn sách "Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954" bản tiếng Việt do Đào Thị Ngọc Nhàn dịch, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành

Tiến sĩ, Đại úy quân đội Pháp Ivan Cadeau là tác giả đề tài nghiên cứu về Ủy ban này. Trong cuốn sách chuyên khảo Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954 (bản tiếng Việt do Đào Thị Ngọc Nhàn dịch, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, dịch, NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành), ông cho biết kết luận của Ủy ban điều tra đã đề cập đến gần như mọi chi tiết của cuộc chiến, từ sai lầm chiến thuật, mâu thuẫn cá nhân, sai lầm chính trị… Cũng vì thế, những kết luận của Ủy ban đã không được công khai trong suốt 50 năm.

Với sự quan tâm đặc biệt dành cho chiến tranh Đông Dương, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, tác giả Ivan Cadeau đã căn cứ vào thông tin tiếp cận từ Ủy ban điều tra quân sự về thất bại Điện Biên Phủ, các tài liệu, tư liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp để thuật lại hiện thực chiến dịch của những người ở bên kia chiến tuyến. Trong đó, các báo cáo tình báo về việc di chuyển và triển khai của Việt Minh, những quyết định chính của tướng lĩnh quân đội Pháp trước các cuộc tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam hay những điện tín cuối cùng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ cũng được nhắc đến.

Theo đó, với địa hình ở Điện Biên Phủ và đánh giá sức mạnh của quân Việt Minh, phía Pháp đã dự tính là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cho rằng khó khăn đó không đủ để họ thất bại. Pháp cũng không bất ngờ trước việc Việt Minh thay đổi kế hoạch tấn công vì các tin tình báo của Pháp đã có. Tháng 2/1954, Điện Biên Phủ với Pháp là “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Phóng viên Robert Guillain viết trong bài báo có tựa đề Cuối tuần ở Điện Biên Phủ (Week end à Dien Bien Phu) đăng trên báo Le Monde của Pháp: “Đó là bẫy khổng lồ và phức tạp, đầy rẫy cao điểm, chi chít công sự, được gài mìn, đào hào, chia ô, cày nát trên hàng kilômét vuông và có lượng người ở đông hơn tổ kiến… Không gì có thể mọc lên trên bề mặt, ngoại trừ tiêu bản kim loại: dây thép gai”. Ivan Cadeau cho rằng, với Pháp, “Điện Biên Phủ lúc bấy giờ niềm tin là trọn vẹn: điều chắc chắn là nếu quân Việt Minh tấn công, họ sẽ bị bẻ gãy răng”.

... đến thất thủ nhanh chóng

Đầu năm 1954, Pháp cũng được thông tin về việc bố trí lực lượng của Việt Minh. Từ tháng 2, Ban Tham mưu lực lượng tác chiến Tây Bắc có trong tay sơ đồ bố trí này do nhân viên tình báo chuyển về (một vài trong số các bản ký họa này đang được lưu trữ tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp ở Vincennes).

a2.jpg
Với độ lùi thời gian 71 năm, tư liệu về Điện Biên Phủ ngày càng dồi dào và sáng rõ với nhiều chiều tiếp cận

Được báo cáo, Tướng Navarre tham khảo ý kiến các pháo binh về bản chất chính xác của đe dọa: liệu pháo binh của Việt Minh có thể ngăn sử dụng đường băng không quân không? Chỉ huy các đơn vị pháo binh ở Đông Dương của lực lượng lục quân Bắc Việt Nam và của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung tá Piroth đều nhất trí tin tưởng: ở những vị trí như đã được bố trí theo sơ đồ, nếu như không bị phát hiện, các khẩu pháo này sẽ ngay lập tức bị hỏa lực của đơn vị pháo kích Pháp “khóa mõm”.

Tuy nhiên, ngày 14/3/1954, Navarre gửi công điện (số 30.596) về Paris, thông báo về cuộc tấn công trên đồi Béatrice (Him Lam) của quân đội Việt Minh, nổ ra từ 17h30 ngày 13/3. Việc Béatrice thất thủ đã gây sốc không chỉ cho quân Pháp đóng ở Điện Biên Phủ mà cả Ban Tham mưu Lục quân Bắc Việt Nam ở Hà Nội. Sau này, De Castries kể lại sự sụp đổ quá nhanh về phòng ngự: “Chúng tôi vẫn chưa kịp cảm nhận thất thủ”, do thảm họa khác xảy đến, cũng ngay tại Điện Biên Phủ.

Đó là cuộc tấn công trên đồi Gabrielle (Độc Lập) từ 18h ngày 14/3. 4h30 ngày 15/3, đạn đại bác bắn xuyên chốt chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Mecquenem. Theo báo cáo (hồ sơ 1K342, hộp số 5, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp) của Mecquenem, 9h ngày 15/3, Việt Minh làm chủ trung tâm đề kháng này.

Đào ngũ và thiệt hại trong các trận đánh sau đó đã khiến quân số lính tham gia chiến đấu của tất cả lực lượng tham gia chống lại các đơn vị của Việt Minh sụt giảm một cách thảm hại. Từ đầu tháng 4, Trung tá Langlais - người chỉ huy đặc biệt của quân đồn trú Pháp trong trận Điện Biên Phủ, yêu cầu Hà Nội phải đưa quân nhảy dù tăng cường. Ngày 11/4/1954, Langlais gửi cho Tư lệnh lực lượng không vận Đông Dương, Đại tá Sauvagnac bức điện: “Ngài vẫn không hiểu tình hình Điện Biên Phủ. Tôi nhắc lại rằng, không còn cả lực lượng tác chiến Tây Bắc lẫn phi đội không vận, không còn lính lê dương, lính Marốc nào cả, mà chỉ có 3.000 lính, trong đó chủ yếu là lính dù. Những người nhờ lòng dũng cảm và sự hi sinh phi thường đang phải đương đầu với 4 sư đoàn của Tướng Giáp. Số phận của Hà Nội và cuộc chiến Đông Dương đang diễn ra ở Điện Biên Phủ”.

Theo phân tích của Ivan Cadeau từ nguồn số liệu báo cáo về Bộ Quốc phòng Pháp bấy giờ, trong khoảng thời gian từ 1 - 7/5/1954, quân Pháp chỉ có khả năng đối đầu với 2.000 - 3.000 lính Việt Minh, như thừa nhận của De Castries, đó chỉ là những người còn sống sót tập hợp từ các đơn vị “đã bị tiêu hao trong suốt một tháng rưỡi chiến đấu không ngừng và quân đồn trú chỉ còn ba ngày lương thực và nhất là tiếp tế đạn dược chỉ còn 273 viên đạn pháo 155, 14.000 đạn pháo 105 và 5.000 đạn pháo 120”.

Ngay sau khi bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, trong Thông điệp gửi người Pháp ở Đông Dương ngày 8/5/1954, Cao ủy Pháp ở Đông Dương De Jean viết: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8/5 là Ngày phát xít Đức bị tiêu diệt) đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta đã chịu. Dù rằng, đối phương có số quân gấp bốn chúng ta; dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luang Prabang và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại”.

Hải Đường