Địa phương

Chung sức xóa nghèo trên thành phố mang tên Bác

Việt Hải 07/05/2025 07:52

Năm 2025 đánh dấu nửa thế kỷ kể từ ngày non sông liền một dải. TP. Hồ Chí Minh sau 50 năm đã vươn mình mạnh mẽ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu cả nước. Trong hành trình đó, lực lượng "chiến sỹ sen hồng" luôn âm thầm chuyển tải chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố đến với đối tượng yếu thế; đến nay, thành phố đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Xứng đáng với vị thế đầu tàu

Là đô thị đặc biệt, đầu tàu của cả nước, TP. Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, song, điều đó cũng kéo theo việc phân hóa giàu nghèo và các tệ nạn xã hội tăng theo. Để giải quyết vấn đề này, năm 1992, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo (nay là Chương trình giảm nghèo bền vững) và trở thành địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng Chương trình này.

Đặc biệt, sự hình thành và phát triển của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Hồ Chí Minh với đặc điểm vừa mang tính chuyên môn cao (quản lý tiền tệ), vừa mang tính xã hội rộng rãi đã tạo nên những bước đột phá lớn trong triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội của thành phố.

Điều này có thể nhìn thấy rõ từ việc NHCSXH có bộ máy quản trị gồm Hội đồng quản trị (HĐQT) ở cấp Trung ương, Ban đại diện HĐQT các cấp ở địa phương do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND và thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng cấp tham gia.

Ban đại diện HĐQT các cấp đã thực hiện tốt quy chế hoạt động, các nghị quyết của cấp mình và cấp trên đề ra; kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. Đồng thời chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH các cấp.

Ảnh ghép (VHai)
20 năm qua, hơn 1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách ở TP. Hồ Chí Minh được vay vốn chính sách. Ảnh: Việt Hải

Cùng với việc phát huy hiệu quả mô hình tổ chức đặc thù, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cơ sở; chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được mạng lưới điểm giao dịch phủ khắp tại các phường, xã; bảo đảm "mang dịch vụ ngân hàng đến tận nhà cho người nghèo và đối tượng yếu thế". Qua đó, các quy định của Chính phủ, thành phố được triển khai thực hiện nghiêm túc; đáp ứng nhu cầu vay vốn và hỗ trợ vốn vay đúng đối tượng, hoạt động của NHCSXH ngày càng đạt hiệu quả tích cực về mặt xã hội theo đúng mục tiêu đề ra.

Từ những ngày đầu thành lập (năm 1992) với nguồn vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn có 152 tỷ đồng, đến 31/3/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh quản lý đạt 13.406 tỷ đồng, tăng 49 lần so với khi mới thành lập. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm tới 65,2% tổng nguồn vốn. Điều này minh chứng cho sự đồng hành sát cánh của cấp ủy, chính quyền thành phố với tín dụng chính sách xã hội.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có 11 lần điều chỉnh chuẩn nghèo. Cùng với nguồn vốn của Chính phủ và địa phương, các chương trình tín dụng ưu đãi do chi nhánh NHCSXH thành phố thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội đã đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực sinh động, được cấp ủy, chính quyền cơ sở ghi nhận, đông đảo nhân dân, nhất là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Nguồn vốn chính sách được "phủ sóng" đến 100% khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trong thành phố, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, đời sống các hộ nghèo ngày càng được cải thiện, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Luôn có mặt khi dân cần

Đại diện NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng hơn 205 nghìn khách hàng đang được Chi nhánh hỗ trợ với tổng dư nợ các chương trình đạt hơn 12.200 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 10.731 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88,0% tổng dư nợ. Những con số biết nói này đã khẳng định vai trò không thể thiếu của NHCSXH trong dòng chảy phát triển của thành phố mang tên Bác.

Chị Phạm Thị Thanh Tuyền, ở phường Tam Phú, TP. Thủ Đức từng nhiều năm sống trong cảnh bấp bênh, thiếu trước hụt sau, nhưng từ khi được vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, chị đã đầu tư vào dàn máy dệt dây giày, mua nguyên liệu. Sản phẩm của "xưởng" gia công nhỏ này nhanh chóng được tiêu thụ và trở thành nguồn thu nhập chính của cả gia đình, từ đó chị Thanh Tuyền có điều kiện cho các con ăn học, chăm lo cho gia đình.

Hơn 20 năm qua đã có trên 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở TP. Hồ Chí Minh được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt hơn 21.500 tỷ đồng, góp phần đưa thành phố không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố đến nay cũng chỉ còn 0,09%.

Còn gia đình ông Lại Văn Phong ở phường Hiệp Thành, quận 12, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình ông từ một hộ nông dân nghèo, đến nay, đã ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Phong cho biết, từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH mà gia đình ông đã đầu tư công nghệ, mua sắm máy móc và kỹ thuật trồng trọt để sản xuất, cung cấp rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGap. Những luống rau xanh mướt không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, từng bước đưa nông sản sạch Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng.

Còn nhiều lắm những mảnh đời, những giấc mơ được ươm mầm, lớn lên từ nguồn vốn chính sách. Các chương trình tín dụng chính sách đã bao trùm lên mọi đối tượng yếu thế của thành phố từ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị; người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, người đi cải tạo lao động...

Đồng thời, trở thành động lực trong phát triển kinh tế bền vững với việc hỗ trợ các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai các chương trình tín dụng phục hồi kinh tế hậu Covid-19, giúp cho nhiều doanh nghiệp giữ chân người lao động vượt khó, khôi phục sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương; xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện ngoại thành...

Tiếp nối những thành quả đạt được, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh đang viết tiếp những trang vàng cho mảnh đất phương Nam yêu dấu; luôn đồng hành, có mặt khi người dân cần và giúp cho mỗi công dân thành phố đều có cơ hội làm chủ cuộc sống.

Việt Hải