Nghiên cứu cơ chế đặt hàng các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp tư nhân
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, để khoa học, công nghệ thực sự phát triển thì Nhà nước phải thực hiện, phải có cơ chế đột phá, chính sách đặc cách, đặc thù; có cơ chế đặt hàng các tập đoàn lớn và doanh nghiệp tư nhân về khoa học, công nghệ.
.jpg)
Tháo gỡ vướng mắc chi cho quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp
Thảo luận tại tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Đà Nẵng, Gia Lai) về Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, tại Điều 16 dự thảo luật quy định về chuyển đổi số trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần bổ sung thêm quy định về bảo mật thông tin và an ninh mạng cho Nền tảng quản lý quốc gia, yêu cầu áp dụng chuẩn quốc tế (ISO 27001).
Đồng thời, cần liên kết các luật hiện có về bảo mật và an ninh mạng để có thể bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, nâng cao niềm tin và hiệu quả vận hành.

Tại Điều 66 về chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định tổ chức vay vốn để đầu tư vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên xem xét hỗ trợ lãi suất từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt cho khu vực tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung quy định mở rộng hỗ trợ tín dụng bao gồm bảo lãnh vay vốn, vay ưu đãi không lãi suất trong 2 năm đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Còn tại Điều 65 về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài nguồn vốn và tài sản của doanh nghiệp, Quỹ được nhận khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, nên cân nhắc việc quy định nhà nước có thể tham gia hỗ trợ vốn đối với Quỹ này lên tới 30% và đổi tên là Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. "Việc này giúp tăng tính khả thi, khuyến kích tư nhân đầu tư vào khoa học, công nghệ và có sự đồng hành của nhà nước".

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân quy định doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Nêu thực tế việc chi quỹ này của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, đại biểu đề nghị tiếp thu tinh thần Nghị quyết 68 nâng mức tối đa lên 20% và có cơ chế tháo gỡ vướng mắc chi cho quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
"Việc trích quỹ lớn hơn sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính dồi dào, chủ động thực hiện các dự án nghiên cứu, cải tiến công nghệ, đầu tư trang thiết bị mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mức trích lập vừa phải cân đối với nhu cầu thực tế để phù hợp hơn để tránh lãng phí nguồn lực không dùng đến", đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị.

Từ thực tế triển khai tại địa phương, ĐBQH Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) nhận thấy, vấn đề khó nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng cho doanh nghiệp khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
"Bởi chỉ có Nhà nước đầu tư và hỗ trợ thì các doanh nghiệp mới làm được. Nhưng khi đầu tư ra rồi thì câu hỏi đặt ra là cơ chế nào cho thuê, cho mượn và chuyển giao hạ tầng cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học để làm?".
Theo đại biểu, Điều 56 dự thảo Luật mới quy định Nhà nước đầu tư nhưng đầu tư xong thì vấn đề khai thác, cho thuê và các cơ chế thế nào chưa rõ.
Thực tế tại Đà Nẵng vừa qua, tại khu công viên phần mềm số 2 khi đi vào hoạt động thì loay hoay mãi mới đưa được 3-4 nhà đầu tư chiến lược vào.
Do đó, đại biểu đề nghị cần giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự thủ tục, chứ nếu chỉ nói đầu tư chung chung mà không có cơ chế đặc biệt để quản lý khai thác vận hành sẽ không hiệu quả.
Đột phá, tiên phong, khai mở, sáng tạo
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần nghiên cứu, bóc tách thật rõ nguyên tắc cơ bản của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành một điều và chính sách nhà nước thành một điều để dễ trong tổ chức thực hiện, Chính phủ, bộ ngành cũng thuận lợi hơn trong việc cụ thể hóa thành các Nghị định, Thông tư.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật cần thống nhất theo 6 nguyên tắc sau:
Một là, nền tảng của hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là tính trung thực và minh bạch. Hai là, bảo đảm tự do sáng tạo và tôn trọng kiến thức. Ba là, tính khách quan. Bốn là, tính ứng dụng và phải phát triển. Năm là, hợp tác và chia sẻ. Sáu là, đạo đức và xã hội.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật phải mang tính đột phá, tiên phong, khai mở, sáng tạo. "Nếu làm khoa học công nghệ mà cứ bình bình không có đột phá thì sẽ rất khó".
Để có sản phẩm khoa học công nghệ, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần rất nhiều yếu tố: ó tổ chức khoa học, có viện nghiên cứu, có nhà sáng chế, nhà nghiên cứu giá trị toàn cầu và trong nước.
Để khoa học công nghệ thực sự phát triển thì Nhà nước phải thực hiện, phải có cơ chế đột phá đặc cách, chính sách đặc biệt, đặc thù; phải mạnh dạn như Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
"Nên chăng, có cơ chế đặt hàng các tập đoàn lớn, doanh nghiệp tư nhân chia tỷ lệ % Nhà nước đóng góp vào sản phẩm, từ đó phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân. Nếu vẫn để quy định nghiêng về giao cho các tổ chức khoa học nhà nước thì vẫn vướng cơ chế, nhân lực khoa học, chế độ chính sách, chế độ lương cho các nhà khoa học và khó thoát được tư tưởng sợ rủi ro, sợ trách nhiệm. Trong khi đó, liên quan đến đổi mới sáng tạo thì tỷ lệ rủi ro cũng không phải ít", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.