Nhịp cầu giáo dục

Các trường học Anh quốc được kêu gọi đưa vào giảng dạy về tâm sinh lý tuổi dậy thì

Quỳnh Vũ 06/05/2025 18:30

Quỹ Hỗ trợ thanh thiếu niên (YEF), được Bộ Nội vụ Anh tài trợ, mới đây đã kiến nghị đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông của nước Anh và xứ Wales các kỹ năng liên quan đến tâm sinh lý tuổi dậy thì, giúp các em xử lý mọi vấn đề có thể gặp phải trong các mối quan hệ như bạo lực tinh thần và thể chất, lạm dụng và quấy rối, trong bối cảnh tầm quan trọng của những vấn đề này chưa được đánh giá đúng mức.

Sau khi tiến hành nghiên cứu về chủ đề này, Quỹ Hỗ trợ thanh thiếu niên (YEF) đề xuất các trường phổ thông của Anh và xứ Wales nên đưa vào giảng dạy các "bài học phòng ngừa bạo lực trong các mối quan hệ", để giúp các em tránh được nguy cơ bị bạo lực về tình cảm, thể chất, tình dục, lạm dụng tâm lý hay quấy rối. Nhóm nghiên cứu này cho rằng, các trường học có thể bổ nhiệm một chuyên gia về lĩnh vực này, theo mô hình thành công của các điều phối viên về sức khỏe tâm thần, do rất nhiều giáo viên của các trường học phổ thông ở Anh cho biết họ không đủ khả năng để tư vấn về các vấn đề phức tạp liên quan đến tâm sinh lý của tuổi dậy thì.

5663694.jpg
Quỹ Hỗ trợ thanh thiếu niên Anh quốc kêu gọi đưa giáo dục về các mối quan hệ vào trường học. Ảnh: Daily Express

Ông Jon Yates, Giám đốc điều hành của YEF cho biết, mặc dù các trường học ở Anh đã có hướng dẫn theo luật định về các chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe vị thành niên từ năm 2020, nhưng nghiên cứu cho thấy, hầu hết học sinh không được dạy về cách nhận biết một mối quan hệ lành mạnh hay độc hại; hoặc cách giúp các em thoát khỏi một quan hệ độc hại.

Bước đầu tiên, YEF đề xuất một chương trình thí điểm nhằm cung cấp ngân sách khoảng 8.000 bảng cho các trường trung học để thúc đẩy "chương trình giảng dạy về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Chương trình này sẽ tổ chức các lớp giảng dạy chuyên sâu về tâm sinh lý, cách xử lý các vấn đề trong các mối quan hệ…

Giám đốc Jon Yates cho biết: “Một trong những thách thức lớn trong quá trình đưa các chương trình này vào các trường phổ thông là thuyết phục giáo viên rằng chúng cần thiết, rằng học sinh và con em của chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với những nguy cơ trong các mối quan hệ và chúng ta cần quan tâm tới điều đó”. Ông cho rằng, rất nhiều giáo viên không đánh giá đúng hoặc coi nhẹ các vấn đề tâm sinh lý mà học sinh đang phải đối mặt trong các mối quan hệ ở tuổi dậy thì. Thậm chí, theo ông, các trường học cũng không muốn thúc đẩy các chương trình giáo dục giới tính và xử lý các vấn đề trong mối quan hệ như thế này bởi họ không muốn phụ huynh phải lo lắng về việc con em mình có thể phải đối mặt với nguy cơ bạo lực trong các mối quan hệ. “Nhưng vấn đề là, tình trạng này xảy đến với rất nhiều học sinh”, ông lưu ý.

Nghiên cứu của YEF phát hiện gần một phần ba giáo viên tham gia các Chương trình Giáo dục về các mối quan hệ, tình dục và sức khỏe (Relationships, Sex, and Health Education) cho biết họ chưa bao giờ được đào tạo chính thức về lĩnh vực này, trong khi hơn một phần tư cho biết họ không tự tin khi dạy học sinh cách xử lý hoặc thoát khỏi một mối quan hệ không lành mạnh. 50% cho biết họ gặp khó khăn khi phải giải thích cho các em cách phản ứng khi thấy có dấu hiệu bị xâm hại tình dục hoặc quấy rối.

Trong khi đó, bà Lucy Emmerson, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Giáo dục giới tính vương quốc Anh, cho biết nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng, chỉ có 50% thanh thiếu niên Anh nhận thấy chương trình Giáo dục về các mối quan hệ, tình dục và sức khỏe có ích đối với các em mặc dù chương trình đã có nhiều cải thiện gần đây.

Bà Emmerson cho biết: “Chúng tôi thấy rằng một số chủ đề về giáo dục giới tính đã được thực hiện rất tốt. Nhưng các chủ đề như mất cân bằng trong các mối quan hệ, bạo lực tâm lý… là những chủ đề mà các em cho là không được đề cập đầy đủ hoặc không được đề cập chút nào”.

“Cha mẹ của các em có thể nói rằng, mọi thứ khác với những gì họ từng trải qua, bởi họ nhớ lại các chương trình giáo dục giới tính trước kia thường tập trung vào kiến thức sinh học chứ không phải là tâm lý của tuổi dậy thì hay việc các em trong độ tuổi này “cảm thấy như thế nào”, làm thế nào để “hiểu và kiểm soát cảm xúc của mình”, hoặc các em phải đối mặt với việc bị từ chối tình cảm ra sao”.

Các chủ đề mà nhóm nghiên cứu đề xuất bao gồm cách nhận biết các dấu hiệu của mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh, và cách tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết và những kỹ năng quan trọng để xây dựng tình bạn cũng như các mối quan hệ cá nhân khác.

Bà Emmerson cho biết, khó khăn nằm ở việc đào tạo giáo viên bởi “để thực sự giảng dạy tốt những chủ đề khó hơn này, giáo viên cần phải tự tin và có khả năng thảo luận cởi mở và thẳng thắn với học sinh chứ không chỉ giảng dạy dựa trên lý thuyết”.

“Trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các kỹ năng lắng nghe, đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau và thấu hiểu cảm xúc của nhau và thể hiện cảm xúc của mình. Đây không chỉ là chương trình giáo dục về sinh lý mà còn giúp các em về vấn đề tâm lý cũng như học cách cư xử và phản ứng trong các mối quan hệ”, bà lưu ý.

Quỳnh Vũ