Quốc hội và Cử tri

Đại biểu đề xuất luật hóa ý tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm về giảng dạy năng khiếu trong nhà trường

Mạnh Tuân 06/05/2025 14:44

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo diễn ra sáng nay, 6/5, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, tâm huyết. Trong đó, phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) gây chú ý khi đề xuất luật hóa ý tưởng đột phá của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mời những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tế vào giảng dạy năng khiếu trong nhà trường.

Tinh chỉnh 'điểm nghẽn', gỡ vướng trong quản lý, tuyển dụng

Bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, nội dung dự thảo đã bao quát tổng thể các vấn đề liên quan đến nhà giáo. Đồng thời, tin tưởng việc thống nhất đầu mối quản lý, giao ngành giáo dục chủ động tuyển dụng, sử dụng, đào tạo sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết được những "điểm nghẽn" về thừa thiếu cục bộ giáo viên và mất cân đối chất lượng giữa các vùng miền.

img_20250506_125206.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, để dự án Luật hoàn thiện hơn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất hai nội dung cần tinh chỉnh. Thứ nhất, tại Khoản 3, Điều 4, cần làm rõ hơn định nghĩa "Cơ quan quản lý giáo dục" là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hoặc các đơn vị chức năng thuộc Bộ, ngành. Lý do, là mô hình chính quyền hiện chỉ có 3 cấp (Trung ương, tỉnh, cơ sở). Nếu theo dự thảo, đơn vị cấp xã cũng có thể chủ trì tuyển dụng (Điểm a, Khoản 2, Điều 14) sẽ gây bất cập do hạn chế về chuyên môn và không đồng bộ trong quy hoạch, sử dụng, điều động nhà giáo trong phạm vi toàn tỉnh.

Thứ hai, liên quan đến quản lý nhà giáo trong cơ sở giáo dục (Điều 43), đại biểu đề nghị, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập tự chủ hay không tự chủ trong việc thực hiện các nội dung quản lý tại Khoản 1 (bao gồm cả bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý). Đại biểu cho rằng thẩm quyền này phải thuộc cơ quan quản lý cấp trên theo quy định công tác cán bộ và để đảm bảo việc điều động, luân chuyển ngoài phạm vi đơn vị. Đồng thời, do mức độ tự chủ tài chính khác nhau (theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP), việc giao toàn bộ quyền cho đơn vị tự chủ là chưa rõ ràng. Vì vậy, nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp, giao quyền cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện.

Đề xuất khung pháp lý mời nghệ sĩ, vận động viên vào nhà trường

Điểm nhấn đặc biệt trong phần phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà là sự bày tỏ ấn tượng và đồng tình sâu sắc với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm. Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư: “dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn nghệ sĩ giỏi dạy các cháu, hợp đồng luôn... Thể dục, thể thao mời vận động viên; mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ...”, nữ ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Những gợi mở của Tổng Bí thư như là lời chỉ đạo mở đường trong tư duy quản trị giáo dục.

img_20250506_131041.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: quochoi.vn

Phân tích sâu hơn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng việc hợp đồng với các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên, họa sĩ… để giảng dạy các môn năng khiếu trong trường học không chỉ là cơ hội quý báu để học sinh phát triển tài năng, mà còn là giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn này đang diễn ra ở nhiều nơi.

Từ sự tâm đắc đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đã đưa ra đề xuất cụ thể và mang tính hành động cao: "Để có thể thực hiện những nội dung trên, tôi đề nghị dự thảo Luật cần thiết kế 1 điều khoản khung liên quan đến vấn đề này và giao cho Chính phủ quy định".

Theo nữ ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo cơ sở vững chắc, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường mời những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tế tham gia vào quá trình giáo dục, làm phong phú thêm môi trường học đường.

Những góp ý của Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà tại phiên thảo luận không chỉ thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, trách nhiệm đối với việc xây dựng luật mà còn cho thấy sự nhạy bén, nắm bắt kịp thời những tư tưởng chỉ đạo mang tính đổi mới. Việc đề xuất đưa ý tưởng "mở" của Tổng Bí thư Tô Lâm vào luật được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc phát triển năng khiếu, giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Dự án Luật Nhà giáo đang tiếp tục được Quốc hội xem xét, thảo luận để hoàn thiện trước khi thông qua.

Mạnh Tuân