Bảo đảm tiến độ, chất lượng và đồng thuận cao trong xã hội
Quốc hội đã dành phần lớn thời gian ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín để thảo luận, thông qua 2 nghị quyết liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều qua, các ĐBQH nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn với vận mệnh của đất nước và lợi ích chính đáng của Nhân dân, do vậy, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ, chất lượng và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Các đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đúng và trúng các nút thắt thể chế
Tôi thống nhất cao với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng như việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tôi cho rằng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 vào thời điểm hiện nay là yêu cầu tất yếu của thực tiễn, sau hơn một thập kỷ thực hiện nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 dù đã góp phần ổn định tổ chức bộ máy và phát huy dân chủ nhưng cũng đang bộc lộ những giới hạn, nhất là trước yêu cầu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy và thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, chuyển đổi mô hình quản trị hiện đại.
Tôi đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này tập trung vào các nội dung trọng yếu, đúng và trúng các nút thắt thể chế, đó là: tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, giảm tầng nấc trung gian để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung và trách nhiệm; củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân mà phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất, phản biện chính sách, tham gia thiết kế chính sách công; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã - vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang đặt ra cấp bách cần được Hiến pháp quy định.
Tôi trân trọng đề nghị với Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để dân biết, dân bàn, dân góp ý, đồng thời dân phải đồng thuận thật cao. Hiến định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước để xây dựng nền hành chính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tái định hình tư duy quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh):
Quyết định hệ trọng phải được thực hiện với trách nhiệm cao nhất
Qua nghiên cứu Tờ trình số 1261 ngày 23/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và nghiên cứu Báo cáo số 1263 ngày 23/04/2025 về kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các dự thảo nghị quyết, tôi nhận thấy, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện đúng nguyên tắc trung tâm của đợt sửa đổi lần này là tổ chức lại bộ máy, hệ thống chính trị một cách tinh gọn và hiệu lực; đồng thời nhấn mạnh các trọng tâm như vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương.

Tôi đề nghị bổ sung và làm rõ hơn phạm vi sửa đổi danh mục điều dự kiến tác động và nguyên tắc chỉ đạo thực hiện; bổ sung một khoản mô tả rõ phạm vi sửa đổi Hiến pháp cụ thể như việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào các điều từ Điều 9 đến Điều 116 của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến chức năng tổ chức và mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền địa phương.
Cụ thể: Một, nhóm quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội gồm Điều 9, Điều 10, Điều 84, Điều 96, Điều 101, Điều 116. Hai, nhóm quy định về tổ chức chính quyền địa phương gồm các điều như Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 114, Điều 115.
Việc sửa đổi nhằm đảm bảo tính linh hoạt, ổn định lâu dài của Hiến pháp trong tổ chức, đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Tôi cũng đề xuất bổ sung một đoạn về nguyên tắc sửa đổi trong nghị quyết, cụ thể: việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo nguyên tắc kế thừa có chọn lọc, phù hợp với định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền công dân, tăng cường phân quyền, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Quy định rõ trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân công khai bằng nhiều hình thức, công bố dự thảo rộng rãi, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín; bổ sung quy định về tổ chức triển khai và giám sát thực hiện. Theo đó, quy định Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện giám sát quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bảo đảm tiến độ, chất lượng đúng quy định pháp luật và phản ảnh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là một quyết định hệ trọng cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội và toàn hệ thống chính trị.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai):
Thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực của các tầng lớp nhân dân
Về hình thức sửa đổi, tôi nhất trí sử dụng hình thức Nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Cách làm này phù hợp với thông lệ pháp luật quốc tế, vừa linh hoạt, vừa đảm bảo chặt chẽ về quy trình, tránh xáo trộn toàn văn Hiến pháp khi phạm vi điều chỉnh là hẹp.

Liên quan đến việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi đề nghị giao rõ đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp vì đây là giai đoạn quyết định chất lượng và tính đồng thuận; đồng thời, cần có quy định về việc báo cáo định kỳ, tiến độ đảm bảo để Quốc hội có thể giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng dự thảo. Việc cho phép Ủy ban sử dụng con dấu của Quốc hội là cần thiết, thể hiện rõ thẩm quyền pháp lý và đảm bảo thuận lợi trong quá trình điều, phối hợp liên ngành.
Về lấy ý kiến của Nhân dân, tôi đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực của các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến cần được thực hiện công khai, dân chủ, nghiêm túc và thực chất, đa dạng về hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, có sự hướng dẫn, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội.
Trước yêu cầu lấy ý kiến của Nhân dân trong thời gian rất ngắn, trong vòng 1 tháng, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, ban hành hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đảm bảo việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện một cách công khai, minh bạch, thể hiện rõ tinh thần cầu thị và sự tôn trọng đối với tiếng nói của Nhân dân.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn với vận mệnh của đất nước và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cùng các cơ quan có trách nhiệm cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ, chất lượng và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội đối với quá trình sửa đổi Hiến pháp.