Khuôn khổ thể chế mới cho phát triển con người
Sửa đổi Luật Việc làm cần được nhìn nhận ở góc độ thiết lập một khuôn khổ thể chế mới cho phát triển con người.
Báo cáo với Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; thu nhập của người lao động tăng lên; chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội, trong báo cáo tham gia thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp này cũng nhận định, năm 2024 và quý I/2025 đánh dấu những tín hiệu lạc quan trong lĩnh vực lao động, việc làm của Việt Nam. Thị trường lao động phục hồi và có bước chuyển biến rõ rệt khi thu nhập bình quân của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tiếp tục tăng. Việc cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công từ ngày 1/7/2024 đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập và đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Song, đằng sau những điểm sáng ấy vẫn còn những tồn tại, thách thức dai dẳng, và thành thật mà nói, khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Đó là, chất lượng nguồn nhân lực lao động, nhất là lao động có chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lao động chưa hợp lý, cả về trình độ và về phân bố theo khu vực.
Năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong nền kinh tế còn khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, lên tới 64,6%. Cả nước còn 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm chưa thực sự hiệu quả, còn một bộ phận người lao động có việc làm không bền vững.
Những thách thức trên đây cũng phản ánh yêu cầu cấp thiết phải cải cách sâu rộng hơn nữa trong chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, quản trị thị trường lao động, gắn với đổi mới giáo dục - đào tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng đang tạo ra những biến động trên thị trường lao động. Hàng chục nghìn lao động khu vực công sẽ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới. Đây là cơ hội và cũng là trách nhiệm của Nhà nước trong việc mở rộng khu vực ngoài công lập, hỗ trợ doanh nghiệp tạo thêm việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế mới, như kinh tế số, năng lượng tái tạo, dịch vụ sáng tạo...
Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm lớn từ xã hội. Dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám và sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần thứ hai trong phiên họp toàn thể ngày mai (7/5).
Hiện nay, khi Việt Nam đang thực hiện hàng loạt chính sách đột phá, đặc biệt để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, kinh tế tư nhân - chắc chắn sẽ tác động ngày càng sâu sắc, toàn diện đến lao động, việc làm - thì rất cần một tư duy mới đối với việc hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Đây không chỉ là sửa đổi một đạo luật có tính chất chuyên ngành mà cần nhìn nhận ở góc độ thiết lập một khuôn khổ thể chế mới cho phát triển con người. Thị trường lao động cần được hiểu là “hệ sinh thái sống” - nơi người lao động được bảo vệ, phát triển; doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào con người; và Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hỗ trợ, dẫn dắt bằng luật pháp, dữ liệu và chính sách thông minh.
Để làm được điều đó, cần cập nhật ngay vào dự thảo Luật những định hướng lớn của Nghị quyết số 57-NQ/TW, đưa những định hướng đó thành quy định pháp luật cụ thể, đặc biệt là về phát triển nhân lực số, hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động và thúc đẩy việc làm sáng tạo.
Nhiều đề xuất đáng chú ý đã được các ĐBQH đưa ra cũng cần được nghiên cứu, thể chế hóa như: xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất, liên thông và thân thiện với người dùng, bảo đảm dữ liệu thị trường lao động được công khai tối đa để doanh nghiệp, người lao động dễ dàng khai thác thông tin, phân tích xu hướng việc làm, qua đó kết nối cung - cầu hiệu quả hơn; khuyến khích các nền tảng việc làm tư nhân kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia; bổ sung những quy định về tích hợp công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao khả năng phân tích thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa, Luật Việc làm (sửa đổi) phải được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Những nhiệm vụ lớn cũng cần được nghiên cứu như: sửa đổi, bổ sung các luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm ngân sách thực chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN; đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp tuyển sinh và đào tạo. Tất cả đều nhằm phục vụ một mục tiêu cốt lõi: đào tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng, thích nghi nhanh, sáng tạo và có khả năng học tập suốt đời.