Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn
Thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Hải Dương) sáng nay, 5/5, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm phục vụ Nhân dân tốt hơn

Các ĐBQH cho rằng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Theo các đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhất là các quy định để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trên nhiều phương diện, tạo động lực lớn cho cải cách, phát triển đất nước. Các đại biểu cũng đề nghị rà soát, chỉnh lý một số quy định phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, các xã, phường.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Lê Minh Hưng (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Chủ trương của Trung ương đã rõ, tinh thần chỉ đạo cũng rất cụ thể, đó là cần làm khẩn trương, quyết liệt, song phải chắc chắn và tuân thủ nghiêm quy định của Hiến pháp, pháp luật... Do vậy, trong quá trình nghiên cứu và triển khai, cần có sự tham mưu của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan. Đặc biệt, nếu có vấn đề liên quan đến quy định trong Hiến pháp thì cần trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo đúng quy trình, bao gồm cả việc thành lập Ủy ban soạn thảo, sửa đổi bổ sung, tiến hành quy trình lấy ý kiến Nhân dân - đây là bước rất quan trọng để bảo đảm tính đồng thuận.

Liên quan đến tổ chức bộ máy, phạm vi sửa đổi của Hiến pháp tập trung ở một số điều, như: Điều 9, Điều 10, Điều 84 (vai trò của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội); Điều 110-115 (Tổ chức chính quyền địa phương)…, ĐBQH Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Các quyết định gần đây của Nhà nước, đặc biệt trong phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng như cấp xã, đều nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp ủy và Nhân dân địa phương.

Thống nhất cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: việc sửa đổi Hiến pháp trong thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển đất nước. “Tin tưởng, sau sửa đổi, hệ thống chính trị của nước ta sẽ vận hành hiệu quả hơn, gần dân hơn, sát dân hơn và tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh”, ĐBQH Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.