Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Thảo luận tại Tổ 2, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và định hướng sửa đổi nhằm phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Đảng ta có chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi phải sửa các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương.

Do vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ nhất trí cao với định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thống nhất với việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, ngay sau khi được thành lập, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần thống nhất và tiến hành soạn thảo những điều khoản cụ thể về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để trình Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ủng hộ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất định hướng sửa đổi những điều khoản liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng các tổ chức chính trị - xã hội trở thành thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có tính chất độc lập tương đối.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng tán thành với đề xuất hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung mang tính giới hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và tiến hành công bố lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; đồng thời trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo Nghị quyết.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Nhân dân, các ngành, các cấp và ý kiến thảo luận của các ĐBQH, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần 2 đối với dự thảo Nghị quyết.
Mặc dù quá trình này được tiến hành ngay trong kỳ họp nhưng nhờ có sự chuẩn bị từ sớm và phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào 2 nhóm nội dung nên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính tin tưởng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội, sự ủng hộ của Nhân dân.