Giáo dục

Thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở cần đáp ứng những yêu cầu nào?

Huy Bảo 04/05/2025 08:58

Theo quy định, các Hội đồng Giáo sư làm việc theo nguyên tắc tập thể, công khai và dân chủ, nhằm đảm bảo minh bạch và khách quan trong toàn bộ quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025 được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, ngày 15/5 sẽ là hạn cuối các Hội đồng Giáo sư cơ sở gửi hồ sơ thành lập hội đồng, bao gồm quyết định thành lập, kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký hội đồng, lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng, danh sách ứng viên đăng ký và lịch xét duyệt của hội đồng gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Hiện nay, việc thành lập và hoạt động của các Hội đồng Giáo sư cơ sở được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg) cùng Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT ngày 28/3/2019 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (gọi chung là Hội đồng Giáo sư).

gs-1740385821044917419770-0-0-562-899-crop-17403858233771725149051.jpeg
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở với 9-15 thành viên. Hình minh họa

Quy định về thành lập Hội đồng giáo sư cơ sở tại các cơ sở giáo dục đại học

Theo Điều 12, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, việc thành lập Hội đồng giáo sư cơ sở tại các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, minh bạch. Cụ thể, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở với 9-15 thành viên.

Để có đủ số lượng thành viên, cơ sở giáo dục đại học có thể mời giáo sư, phó giáo sư ở trong và ngoài nước tham gia hoặc có thể liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác để thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đề cử thành viên tham gia Hội đồng Giáo sư cơ sở công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở. Căn cứ danh sách đề cử, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Quyết định này để thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Sau khi quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức họp Hội đồng Giáo sư cơ sở phiên thứ nhất để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký hội đồng. Căn cứ kết quả bầu, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm các chức danh trên. Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng.

Hội đồng Giáo sư cơ sở có nhiệm kỳ 1 năm. Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho Hội đồng Giáo sư cơ sở hoạt động.

Về trình tự xét tại cơ sở giáo dục đại học, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở tiếp nhận và rà soát hồ sơ của ứng viên, phân công thành viên hoặc mời giáo sư, phó giáo sư thẩm định. Mỗi thành viên có trách nhiệm đánh giá tính pháp lý, độ chính xác và kết quả khoa học, đào tạo của ứng viên. Những ứng viên đủ điều kiện sẽ trình bày báo cáo khoa học tổng quan trước hội đồng. Hội đồng cũng tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ chuyên môn của ứng viên.

Danh sách ứng viên đủ điều kiện được biểu quyết bằng phiếu tín nhiệm, mỗi ứng viên phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ. Kết quả xét được công khai trên website của cơ sở ít nhất 15 ngày trước khi gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cần trải qua 3 vòng xét duyệt: từ cấp cơ sở, đến hội đồng ngành, liên ngành và cuối cùng là cấp Nhà nước.

Tiêu chuẩn cần có của thành viên các Hội đồng giáo sư

Theo Điều 17 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, thành viên các Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở phải có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên.

Bên cạnh đó, phải trung thực và có uy tín chuyên môn khoa học cao, thể hiện qua kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế hoặc nhà xuất bản có uy tín trong vòng 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.

Phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ chuyên môn, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, có trách nhiệm trong công việc, đủ điều kiện sức khỏe và thời gian để đảm nhiệm nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước bắt buộc phải có chức danh Giáo sư, trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi đó thành viên các hội đồng ngành, liên ngành và cơ sở phải có chức danh Giáo sư hoặc Phó Giáo sư.

Theo quy định tại Điều 18 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, các Hội đồng Giáo sư làm việc theo nguyên tắc tập thể, công khai và dân chủ, nhằm đảm bảo minh bạch và khách quan trong toàn bộ quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Các phiên họp chỉ được tiến hành khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên của hội đồng tham dự. Trong mỗi kỳ xét, hội đồng chỉ bỏ phiếu một lần cho mỗi ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh.

Hoạt động của các Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ngành và liên ngành được triển khai thông qua các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất. Các cuộc họp này có thể được triệu tập theo đề nghị của Chủ tịch hội đồng hoặc khi có trên một nửa tổng số thành viên đề xuất. Ngoài hình thức họp trực tiếp, các hội đồng cũng có thể họp qua mạng hoặc tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Việc tổ chức họp lại để xét cho một ứng viên chỉ được phép thực hiện khi có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền kết luận rằng quá trình xét công nhận trước đó đã vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Theo lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025 được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2025 hoàn thành việc đăng ký tại cơ sở giáo dục đại học trước ngày 21/4.

Ngày 15/5 là hạn cuối các Hội đồng Giáo sư cơ sở gửi hồ sơ thành lập hội đồng, bao gồm quyết định thành lập, kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký hội đồng, lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng, danh sách ứng viên đăng ký và lịch xét duyệt của hội đồng gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Từ ngày 30/5 đến 12/6 là thời gian tập huấn công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Ngày 30/6 là hạn cuối để ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt tại Hội đồng Giáo sư cơ sở và gửi bản đăng ký xét đạt tiêu chuẩn lên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ứng viên của cơ sở giáo dục đại học không thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở cần đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở có ngành ứng viên đăng ký.

Từ ngày 1/7 đến 22/7, các Hội đồng Giáo sư cơ sở sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ.

Từ ngày 29/8 đến 26/9, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tiếp tục xét duyệt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Từ ngày 20/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp để xét duyệt và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025.

Huy Bảo