Giáo dục

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 năm 2025

Nguyễn Liên 02/05/2025 22:45

Trong tháng 5 năm 2025, nhiều chính sách giáo dục sẽ chính thức có hiệu lực, liên quan đến chính sách cho trẻ em, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quy chế tuyển sinh đại học; quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nghị định số 66/2025/NĐ-CP ngày 12.3.2025 của Chính phủ quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.5.

Điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định số 66/2025/NĐ-CP là đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách nhà nước. Sự bổ sung này không chỉ góp phần phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng/trẻ tiền ăn trưa (không quá 9 tháng/năm học). Ngoài ra, cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ (không quá 9 tháng/năm học) để quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em nhà trẻ.

Như vậy, định mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP tăng gấp đôi so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (nhóm trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ). Việc tăng định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ cho thấy tầm nhìn của việc hoạch định chính sách nhằm phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.

a6c8646a7b1d6afb229a543046ddaef1b68833b68092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108-_z6045060218607-da50cffd12c3a021644792cf177221b7.jpg
Cô trò một trường Phổ thông dân tộc bán trú tại tỉnh Sơn La. Ảnh: T.N

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ tiền để mua giấy, truyện tranh, sáp màu, bút chì, đồ chơi và các đồ dùng, học liệu học tập khác; chăn, màn và các đồ dùng cá nhân cho trẻ em nhà trẻ bán trú với mức kinh phí là 1.350.000 đồng/trẻ em nhà trẻ bán trú/năm học.

Đồng thời, được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của trẻ em nhà trẻ bán trú với định mức là 5KW điện/tháng/trẻ em nhà trẻ bán trú và 1m³ nước/tháng/trẻ em nhà trẻ bán trú theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì nhà trường được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho trẻ em.

Quy chế xét tuyển đại học, cao đẳng 2025: Nhiều thay đổi quan trọng

Ngày 19.3 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực từ ngày 5.5.

Theo Quy chế mới, sẽ không còn xét tuyển sớm. Quy chế mới cũng quy định khi sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Ngoài ra, nhằm bảo đảm sự đóng góp của kết quả học tập cả năm lớp 12 không quá thấp trong khi tính điểm xét, Quy chế quy định trọng số tính điểm xét của kết quả học năm lớp 12 không dưới 25%.

Quy chế mới quy định, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT.

z6561859576411_9a11b9172110c174995b25f42a913adf.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Trần Hiệp

Bên cạnh đó, để bảo đảm cho thí sinh có đầy đủ thông tin trong quá trình đăng ký xét tuyển, Quy chế quy định quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.

Thí sinh không cần chọn mã phương thức, mã tổ hợp… chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh để xét tuyển.

Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm chất lượng và nền tảng kiến thức cần thiết để học bậc đại học, Quy chế quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét.

Quy chế cũng quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%.

Quy chế đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh. Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.

Thông tư quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài

Ngày 27.3.2025, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 5.5, thay thế Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT ngày 6.10.2020 của Bộ GD-ĐT.

Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về tổ chức thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một số điểm mới của Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT liên quan đến phạm vi áp dụng, hình thức đào tạo, yêu cầu ngoại ngữ, chuyển chương trình, giảng dạy và tỷ lệ giảng viên nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của người học.

Cụ thể, về phạm vi áp dụng, Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT cập nhật quy định về các chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài, làm rõ phạm vi và trình độ đào tạo. Về hình thức đào tạo, Thông tư đã cải thiện về tỷ lệ đào tạo trực tuyến trong các chương trình đào tạo liên kết (tối đa 50% cho kết hợp trực tuyến).

Về yêu cầu ngoại ngữ: Cung cấp yêu cầu chi tiết về chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, giúp minh bạch hóa quy trình tuyển sinh. Về chuyển chương trình: Làm rõ quy định về việc chuyển chương trình đào tạo và công nhận tối đa 50% tín chỉ.

Về giảng dạy và tỷ lệ giảng viên nước ngoài, Thông tư yêu cầu giảng viên nước ngoài phải chủ trì ít nhất 25% tổng khối lượng chương trình. Thông tư đồng thời cung cấp các quy định rõ ràng về bảo vệ quyền lợi khi chương trình đào tạo bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn.

Nguyễn Liên