Du lịch gắn với Halal được xem là một lĩnh vực năng động

An An 22/04/2025 11:01

Trung tuần tháng 4 năm 2025, trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam (Halcert) cùng nhiều đối tác trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Sự kiện là một trong những hoạt động cụ thể hóa Đề án phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội thảo có sự tham dự của gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức chứng nhận Halal, cùng đại diện các Đại sứ quán Azerbaijan, Pakistan, Iran, Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ. Nội dung chương trình tập trung làm rõ xu hướng toàn cầu về ngành công nghiệp Halal, thực trạng và cơ hội phát triển du lịch Halal tại Hà Nội, cũng như đề xuất các giải pháp chính sách, kết nối và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thị trường du lịch Hồi giáo. Sau sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Ramlan Osman – Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia. Ông cũng đồng thời là đơn vị đồng tổ chức của hội thảo.

0s3a0711.jpg
ông Ramlan Osman – Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia

PV: Thưa ông Ramlan Osman, ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa của du lịch gắn với Halal được không, bởi đó là một khái niệm nghe khá lạ tai đối với người Việt, thậm chí là những người đang làm trong lĩnh vực du lịch?

Ông Ramlan Osman: Thực ra du lịch gắn với Halal đã xuất hiện từ những năm 1980 khi các quốc gia Hồi giáo nhận thấy nhu cầu du lịch của họ cần được đáp ứng bởi các dịch vụ phù hợp với tín ngưỡng của mình. Và đến những năm 2000, khi tầng lớp trung lưu tại các quốc gia Hồi giáo gia tăng, các dịch vụ du lịch gắn với Halal do đó ngày càng mở rộng và phát triển. Vì vậy, du lịch gắn với Halal không chỉ đơn giản là một hình thức du lịch dành cho tín đồ Hồi giáo mà còn là một ngành công nghiệp có tiềm năng rất lớn, khi mà dự báo đến năm 2030, mức chi tiêu cho thị trường này lên đến 341,1 tỷ USD/năm bao gồm các dịch vụ như lưu trú, ăn uống, các địa điểm cầu nguyện và các dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức và tín ngưỡng Hồi giáo.

Du lịch gắn với Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch nhiều quốc gia. Dự báo dân số người Hồi giáo trên toàn thế giới đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 (chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu), cộng đồng này là nhóm du khách tiềm năng với mức chi tiêu cao. Như vậy thị trường du lịch Halal của người Hồi giáo khá tiềm năng và sôi động với nhu cầu ngày càng tăng. Lượng du khách Hồi giáo quốc tế ước tính tăng từ 108 triệu vào năm 2013 lên 160 triệu khách vào năm 2019 (trước dịch Covid-19). Dự báo đến năm 2030, chi tiêu cho du lịch từ thị trường này sẽ lên đến 341,1 tỷ USD/năm.

Và đó là lý do ông tham gia trong vai trò đồng tổ chức hội thảo quốc tế vừa rồi?

Ông Ramlan Osman: Với tư cách là một cơ quan chính phủ, tôi tham gia sự kiện nhằm quảng bá và chia sẻ sứ mệnh cũng như tầm nhìn của Halcert để đem lại lợi ích lớn hơn, đồng thời giúp quảng bá vai trò của chúng tôi trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận chứng nhận từ góc độ cơ quan nhà nước, chứ không phải công ty tư nhân. Ở Việt Nam, không có nhiều cơ quan hay tổ chức dám đứng ra đảm nhận vai trò tiên phong trong việc tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Hà Nội là người có tầm nhìn chiến lược, trong khi Halal được xem là một lĩnh vực năng động. Nhà trường có thể đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thông qua các khóa học được thiết kế riêng để giới thiệu về các khái niệm Halal, đồng thời thu hẹp khoảng cách trong hệ thống quản lý thân thiện với người Hồi giáo.

Ông đánh giá thế nào về tình hình du lịch Halal hiện nay tại Việt Nam?

Ông Ramlan Osman: Việt Nam có lượng du khách đến từ các quốc gia đông người Hồi giáo là Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, các nước Trung Đông đạt khoảng 1,5 triệu lượt/năm, chiếm gần 12% trong 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam. Hà Nội không chỉ có tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế mà còn đang hướng tới xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch thân thiện và đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, đáng tiếc là các cơ sở phục vụ họ chưa được công nhận và hỗ trợ một cách hiệu quả. Nhiều cơ sở không quan tâm đến việc áp dụng các tiêu chuẩn thân thiện với người Hồi giáo do không có bất kỳ ưu đãi nào từ phía chính phủ. Trong khi đây là một phân khúc thị trường mới, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu cho chính phủ, mở ra các khóa học mới cho giới trẻ và Halal đang trở thành một xu hướng bình thường mới. Đồng thời, điều này cũng thu hút 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới đến với các sản phẩm du lịch của Việt Nam và 3.200 km đường bờ biển tuyệt đẹp để mọi người có thể tận hưởng.

Theo ông thì Việt Nam cần thực hiện những biện pháp gì để phát huy hiệu quả trong lĩnh vực này?

Ông Ramlan Osman: Các cơ quan chức năng cần xem xét cách tạo ra các chính sách ưu đãi cho các công ty du lịch và khách sạn như hỗ trợ chi phí đào tạo hoặc miễn giảm thuế nhằm thu hút thêm nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực đặc thù này. Các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, hội thảo, khóa đào tạo và ưu đãi cho các đơn vị lữ hành cũng nên được gia tăng. Trong khu vực thì Thái Lan, Đài Loan và Philippines đã đạt được những thành công đáng kể nhờ sự phối hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

An An