Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

MỸ HẠNH 07/03/2025 22:52

Sau hơn 6 năm triển khai Nghị định số 15/2018 của Chính phủ về Luật An toàn thực phẩm (ATTP), đến nay đã xuất hiện một số bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, nhất là những nội dung liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC). Việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khung pháp lý về ATTP để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mạnh dạn để doanh nghiệp “tự chịu trách nhiệm”

Theo đánh giá từ các hiệp hội doanh nghiệp, Nghị định 15/2018/NĐ-CP từ khi được ban hành đã góp phần thúc đẩy hiệu quả trong công tác quản lý ATTP, hội nhập theo nguyên tắc quản lý rủi ro mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Nghị định này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng triệu ngày công và hơn 3.000 tỷ đồng/năm, giúp ngành thực phẩm phát triển mạnh mẽ, đồng thời cải thiện ATTP. Tuy nhiên, trong số 15 TTHC hiện hành trong nghị định có một số TTHC không phù hợp và tạo ra nhiều điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở chế biến về thực hiện pháp luật An toàn thực phẩm. Ảnh: Đào Cảnh
Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở chế biến về thực hiện pháp luật An toàn thực phẩm. Ảnh: Đào Cảnh

Theo đó, Bộ Y tế đang đề nghị tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC về đăng ký công bố sản phẩm của các doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định dịch và công chứng tài liệu pháp lý tiếng Anh sau khi đã chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự trong hồ sơ nhóm thực phẩm nhập khẩu phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Bên cạnh đó, chấp nhận bản điện tử giấy tờ pháp lý dưới một trong các hình thức, gồm: bản chính hoặc bản sao chứng thực của giấy tờ pháp lý được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định; kết quả tự tra cứu giấy tờ pháp lý từ trang thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu tiếng Anh của cơ quan cấp giấy tờ pháp lý hoặc cơ quan có thẩm quyền các nước có đóng dấu xác nhận của cơ sở kèm theo văn bản cung cấp thông tin về đường dẫn tra cứu. Cơ sở đăng ký phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác của các giấy tờ, thông tin này và kết quả tự tra cứu của cơ sở.

Bộ Y tế cũng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm công bố chỉ cần dịch sang tiếng Việt những nội dung cần thiết liên quan đến kết luận nghiên cứu chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và liều dùng, lưu ý, cảnh báo, độ tin cậy nghiên cứu của tài liệu khoa học tiếng Anh và chịu trách nhiệm đối với nội dung dịch thuật thay vì phải dịch, công chứng toàn bộ tài liệu tiếng Anh này. Khi phát hiện không trung thực đối với nội dung dịch thuật sẽ thu hồi giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Đặc biệt, bỏ quy định về việc đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Theo Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Trần Việt Nga, công bố chất lượng sản phẩm là một trong những điều kiện cần và đủ để sản phẩm của các doanh nghiệp được lưu thông trên thị trường. Do đó, việc đơn giản hóa TTHC về đăng ký công bố sản phẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nhanh chóng, đầy đủ các hồ sơ công bố cho các sản phẩm của mình. Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung nghị định lần này sẽ theo hướng mạnh dạn để các doanh nghiệp “tự chịu trách nhiệm” trong các khâu kiểm định chất lượng ATTP cho sản phẩm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Gỡ rào cản trong kiểm nghiệm thực phẩm

Trong lần sửa đổi này, Bộ Y tế cũng đề nghị quy định rõ số lần doanh nghiệp được nộp hồ sơ yêu cầu bổ sung và thời hạn doanh nghiệp nộp hồ sơ yêu cầu bổ sung đối với trình tự nhóm thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm. Cụ thể: thời hạn nộp bổ sung sau khi tổ chức, cá nhân nhận được công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ của cơ quan quản lý là 30 ngày và quá thời hạn hồ sơ không còn giá trị và số lần nộp bổ sung tối đa là 3 lần. Nội dung này giúp rút ngắn thời gian theo dõi, giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, tránh tình trạng thời gian giải quyết hồ sơ dài gây tốn thời gian và nhân lực của cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết hồ sơ.

Đoàn công tác Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một số bếp ăn khách sạn phục vụ đại biểu dự kỳ họp Quốc hội

Đoàn công tác Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một số bếp ăn khách sạn phục vụ đại biểu dự kỳ họp Quốc hội

Về vấn đề thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa một số TTHC và yêu cầu về chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm triển khai Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 4.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thành phần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bãi bỏ thủ tục về miễn kiểm tra giám sát định kỳ cơ sở kiểm nghiệm. Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 4/9 tài liệu trong thành phần hồ sơ đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước.

Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa Trịnh Thị Cúc cho rằng, những đề xuất của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo hướng cắt giảm TTHC là cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm. Bởi, các doanh nghiệp phải tự nhận thức được chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định lớn nhất đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong việc quản lý, xử phạt trong lĩnh vực ATTP. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề ATTP và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Do đó, các TTHC không cần thiết và chồng chéo nên sớm được cắt giảm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo Cục trưởng Cục ATTP TRẦN VIỆT NGA, trong nội dung sửa đổi Nghị định số 15/2018, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 4 TTHC và đơn giản hóa thành phần hồ sơ của 10 TTHC. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung này sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu cắt giảm TTHC và đơn giản hóa quy trình đăng ký sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bộ Y tế kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

MỸ HẠNH