Cân nhắc lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

Thành An 07/03/2025 11:07

Theo chương trình nghị sự, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ Chín (dự kiến tháng 5.2025) tới. Góp ý về dự thảo luật này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đề nghị cân nhắc lùi lộ trình tăng thuế, tính toán mức tăng hợp lý và giãn cách thời gian tăng.

Mức tăng thuế quá nhanh sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp

Trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), hai phương án điều chỉnh thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá đều giữ nguyên mức thuế tương đối (75%) và áp dụng mức thuế tuyệt đối từ năm 2026. Cụ thể, phương án 1 quy định mức thuế tuyệt đối khởi điểm là 2.000 đồng/bao, tăng thêm 2.000 đồng/bao mỗi năm, đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030; trong khi đó, phương án 2 áp dụng mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng 1.000 đồng/bao mỗi năm, cũng đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Điều này nhằm nâng tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ lên 59,4% so với mức hiện tại là 36,7%.

2.jpg
Cần xem xét lộ trình cũng như đánh giá tác động đến môi trường kinh doanh, xã hội và nguy cơ gia tăng thuốc lá lậu khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Theo VCCI, trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc điều chỉnh chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm 2024 đã tăng 14,7% so với năm 2023, đạt mức kỷ lục 197.900 doanh nghiệp. Dự báo năm 2025, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang đối diện với tình trạng sức mua suy giảm liên tục và chi phí đầu vào gia tăng. Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các chính sách thuế, bao gồm cả TTĐB, được cân nhắc kỹ lưỡng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường. Việc thiết kế chính sách thuế cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hài hòa và bền vững.

Cũng theo VCCI, mức tăng thuế quá nhanh sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp và toàn bộ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ khó có đủ thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đầu tư vào công nghệ sản xuất mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, thua lỗ và thậm chí phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng triệu lao động trong các ngành liên quan, từ sản xuất, chế biến đến phân phối và xuất khẩu.

Cùng với đó, việc thuế tăng mạnh có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu và thương mại bất hợp pháp. Khi giá sản phẩm hợp pháp tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến hàng nhập lậu hoặc hàng phi chính thức có giá rẻ hơn nhưng không được kiểm soát chất lượng. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn làm gia tăng áp lực lên các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thị trường, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dù trong ngắn hạn, thu ngân sách có thể tăng, nhưng về trung và dài hạn, sự sụt giảm sản lượng hợp pháp cùng với sự gia tăng của thị trường phi chính thức sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của nhà nước.

Đối với quy định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, cả hai phương án điều chỉnh thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá trong dự thảo Luật đều giữ nguyên mức thuế tương đối (75%) và áp dụng mức thuế tuyệt đối từ năm 2026. Cụ thể, phương án 1 quy định mức thuế tuyệt đối khởi điểm là 2.000 đồng/bao, tăng thêm 2.000 đồng/bao mỗi năm, đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030; trong khi đó, phương án 2 áp dụng mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng 1.000 đồng/bao mỗi năm, cũng đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Điều này nhằm nâng tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ lên 59,4% so với mức hiện tại là 36,7%.

Tuy nhiên, VCCI cũng phân tích, xét đến thực tiễn hoạt động của ngành thuốc lá Việt Nam, những khó khăn trong môi trường kinh doanh và xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp cho rằng mức tăng thuế theo cả hai phương án là quá cao và chưa có tiền lệ, có thể dẫn đến nguy cơ đóng cửa, phá sản của nhiều doanh nghiệp trong nước. Trước đây, thuế TTĐB đối với thuốc lá được điều chỉnh theo lộ trình ổn định: năm 2015 là 65%, năm 2016 là 70%, năm 2019 đến nay là 75%, với mỗi lần điều chỉnh tăng 5%. Việc tăng đột ngột lên 42% (theo phương án 1) hoặc hơn 100% (theo phương án 2) vào năm 2026 không chỉ khiến giá bán tăng mạnh mà còn tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu trốn thuế gia tăng đáng kể. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia như Úc, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước châu Âu đã ghi nhận lượng thuốc lá nhập lậu tăng gấp hơn hai lần sau khi tăng thuế đột ngột.

Đề xuất lùi lộ trình tăng thuế TTĐB từ năm 2028

Trên cơ sở phân tích những tác động tiêu cực, VCCI đề nghị, thay vì tăng thuế đột ngột, cần có lộ trình hợp lý hơn để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, bảo vệ việc làm và kiểm soát tốt hơn thị trường tiêu dùng.

Đối với việc tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá, các doanh nghiệp đề xuất lộ trình điều chỉnh hợp lý hơn, cụ thể: mức thuế tuyệt đối khởi điểm vào năm 2026 là 2.000 đồng/bao, sau đó tăng 2.000 đồng/bao mỗi hai năm, với mức tối đa là 6.000 đồng/bao vào năm 2030. Đồng thời, VCCI kiến nghị áp dụng mức thuế này theo lộ trình giãn ra, bắt đầu tăng thuế từ năm 2028 để đảm bảo tính khả thi, tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, thị trường và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cùng quan điểm này, Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB với sản phẩm thuốc lá nhằm góp phần đạt mục tiêu kép: tăng giá bán thuốc lá, hạn chế người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần tăng thu NSNN. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mức thuế tuyệt đối, tăng tỷ lệ thuế suất cũng như cần có lộ trình tăng hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu trồng nguyên liệu của nông dân, nhà máy sản xuất, kinh doanh thương mại, cũng như tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột.

Dẫn ý kiến từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, các nhà máy thuốc lá đề nghị mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 tối đa là 3.000 đồng/bao. Theo ngành Y tế thì cần tăng thêm thuế để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Việc thống nhất các quan điểm, đảm bảo lợi ích của tất cả là điều thực sự khó khăn. Việc tăng thuế sẽ tăng giá bán thuốc lá, trong khi việc kiểm soát, quản lý đối với hàng nhập lậu còn nhiều phức tạp, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá điện tử lậu, không kiểm soát chất lượng, nguy hiểm đến người dùng. Do vậy, Hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị cần có đánh giá kỹ thêm tác động trên nhiều mặt khi tăng mức thuế cao, lộ trình liên tục hàng năm.

Hội Tư vấn thuế Việt Nam nêu rõ, tại các hội thảo trước nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán mức phương án tăng thuế tuyệt đối và giãn cách thời gian tăng, thay vì hàng năm thì nên tăng 2 năm một lần để có thể đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối của thuốc lá điếu tăng khoảng 5.000đ/bao. Trường hợp không chấp nhận đề xuất của nhóm ý kiến trên thì Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị chọn Phương án 1 của dự luật, từ năm 2026 tăng 2.000 đ/bao mỗi năm và đến 2030 tổng mức tăng 10.000 đồng/bao. Lộ trình tăng dần như vậy sẽ góp phần đạt các mục tiêu kép: tăng giá bán thuốc lá, hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc điều chỉnh thuế TTĐB, cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện. Vì thế, cần một lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, tránh những thay đổi đột ngột gây xáo trộn thị trường, qua đó góp phần xây dựng một hệ thống chính sách thuế công bằng, ổn định và hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thành An