Xây dựng và cập nhật Kịch bản Biến đổi khí hậu cho Việt Nam vào năm 2025

X. Tùng 18/12/2024 10:14

Ngày 21.11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện.

Nền tảng khoa học then chốt để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cho biết, Kịch bản biến đổi khí hậu (CCS) là nền tảng khoa học then chốt để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và là đầu vào để định hướng các chiến lược thích ứng nhằm giảm thiểu tác động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam đóng vai trò là đầu mối quốc gia chịu trách nhiệm cập nhật thường xuyên CCS 5 năm một lần theo quy định của Luật Khí tượng và Thủy văn.

img-0999.jpg
Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà

Kể từ khi Báo cáo đánh giá đầu tiên của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố vào năm 1990, sự phát triển CCS toàn cầu và khu vực đã có những tiến bộ đáng kể. Trong đó, có Báo cáo đánh giá mới nhất (AR6) được công bố vào năm 2021 đã báo cáo xây dựng kịch bản thành công, tiếp theo CCS 2020 và xây dựng dựa trên AR6 của IPCC, phiên bản tiếp theo của CCS dự kiến ​​vào năm 2025, nhằm mục đích cung cấp các dự báo nâng cao cho khí hậu trong tương lai theo các kịch bản phát thải mới SSP, tập trung vào các cực đoan khí hậu, đặc biệt là cực đoan đô thị và mực nước biển dâng với khả năng ngập lụt ở cấp huyện.

Bản cập nhật này sẽ phù hợp với nhu cầu của các bộ ngành, tỉnh và các bên liên quan để hỗ trợ phát triển bền vững và các chiến lược lập kế hoạch hiệu quả. Với vai trò là đầu mối, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu đã phối hợp với các đối tác quốc tế và quốc gia, đang sử dụng các Mô hình lưu thông chung (GCM) để thu hẹp quy mô thống kê và động lực học bằng các mô hình RCM.

Theo kế hoạch, bản dự thảo đầu tiên của CCS cập nhật sẽ được hoàn thành vào quý I năm 2025 và bản thứ hai, dự kiến vào quý II năm 2025, sẽ sẵn sàng để tham vấn và bản cuối cùng sẽ được trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuối năm 2025.

Hiểu được rủi ro khí hậu trong tương lai sẽ là nền tảng cho mọi hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ về sau

Đánh giá xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, TS Trần Thanh Thủy, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, từ số liệu quan trắc (phiên bản cập nhật năm 2025) thuộc Dự án cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, cho thấy, nhiệt độ lớn nhất và nhiệt độ nhỏ nhất trung bình năm đều có xu thế tăng ở hầu hết các vùng khí hậu của Việt Nam; trong đó nhiệt độ nhỏ nhất tăng mạnh hơn nhiệt độ lớn nhất. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở khu vực phía Bắc; số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước; trong đó, khu vực phía Bắc tăng mạnh hơn khu vực phía Nam. Lượng mưa cực trị có xu thế giảm ở đa phần diện tích khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ và có xu thế tăng đa phần diện tích khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng lượng mưa năm, phía Bắc có xu thế giảm dưới 6%; phía Nam có xu thế tăng phổ biến từ 4 - 10%. Số xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ trong khi số xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng và đổ bộ vào Việt Nam có xu thế giảm nhẹ.

img-1001.jpg
Ông Fergus McBean - Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam

Theo ông Fergus McBean - Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu đã đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, với mực nước biển dâng cao, cường độ bão tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt,… khiến Việt Nam trở thành quốc gia dễ bị tổn thương.

Cơn bão Yagi gần đây chính là bằng chứng cho những rủi ro trong tương lai mà không chỉ Việt Nam, mà còn các nước đang đối mặt với tác động từ biến đổi khí hậu phải đối mặt.

“Hiểu được rủi ro khí hậu trong tương lai sẽ là nền tảng cho mọi hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ về sau như việc: Thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư bảo vệ cộng đồng, ngành công nghiệp; định hướng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và tham gia phát triển nền Kinh tế tuần hoàn,…

img-1002.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Tại Việt Nam, Vương quốc Anh tự hào là đồng lãnh đạo Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) - một sáng kiến ​​trị giá 15,8 tỷ đô la để đẩy nhanh Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Chúng tôi coi đây là ưu tiên hàng đầu và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy Biên bản ghi nhớ mà chúng tôi đã ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 10.2024, nhằm hỗ trợ mục tiêu về khí hậu, thiên nhiên và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050” - ông Fergus McBean nhấn mạnh và đồng thời, mong muốn kết quả từ sự hợp tác này sẽ đóng góp vào NDC của Việt Nam và báo cáo 2045 đang được chuẩn bị trong năm tới.

img-1003.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

X. Tùng