Cuộc chơi sáng tạo với đường nét

Hương Sen 10/09/2024 07:40

Với thư pháp, mỗi người chơi đều cảm nhận được mạch nguồn văn hóa cha ông được tiếp nối từ quá khứ đến hiện đại, thể hiện qua sáng tạo đường nét.

Kết hợp truyền thống với đương đại

Thư pháp gia Huỳnh Thị Mỹ Lý (TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu chơi chữ khi đã 50 tuổi. Bà chia sẻ đây là cách để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vào thời gian rảnh rỗi. Những ngày luyện thư pháp, bà chủ động chọn thơ và nhạc làm chất liệu sáng tạo, thổi hồn lên những con chữ. Với bà, ý tưởng ẩn trong tiềm thức và xuất hiện một cách tự nhiên, nên bà thường chọn những lời hay, ý đẹp để thể hiện. “Tôi thích đọc các bài thơ, lời văn của người xưa, của các bậc tiền bối; rồi ngẫm ngợi, tìm kiếm kiến thức, sau đó thể hiện thành nét chữ. Thể hiện các tác phẩm thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… cho người xem hiện nay thấy được cha ông ta đã sống và cống hiến ra sao, để thấy thư pháp có ý nghĩa như thế nào trong quá trình gìn giữ văn hóa dân tộc”.

Mỗi khi phóng bút, bà Mỹ Lý luôn “hát, múa” theo những giai điệu để đưa nét bút, con chữ đi xa hơn. Cách viết của bà Mỹ Lý vì thế được nhận xét có khác so với những người chơi chữ thư pháp thông thường.

b4.jpg
Thư pháp giống như cuộc chơi để các thư pháp gia thỏa sức sáng tạo. Ảnh: HS

“Thư pháp là mỗi người một bút pháp, như tôi là cuộc dịch chuyển từ bút bi sang bút lông ở độ tuổi đã trưởng thành. Những ngày mới viết, tôi cảm nhận thư pháp một cách say mê, và dần phát hiện ra các nét. Chữ Việt có thể viết thành một loại thư pháp đặc biệt, vừa sử dụng bút lông như chữ Hán song khi viết chữ quốc ngữ, nhờ có dấu, con chữ trở nên bay bổng hơn. Với tôi, thư pháp dường như không chỉ là nét bút, nét vẽ mà nhìn sâu vào mỗi tác phẩm, người xem tinh tế có thể nhận thấy luôn có sự lôi cuốn của một thế giới thơ - ca - nhạc - họa trong từng đường nét mềm mại, uyển chuyển và có phần phá cách ấy”, bà Mỹ Lý cho hay.

Cùng quan điểm, thư pháp gia Trường Thịnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt - UNESCO, giống như hội họa có nhiều trường phái thì thư pháp cũng có nhiều dạng viết. Tuy nhiên, với cách viết nào, các tác giả cũng kết hợp giữa truyền thống với đương đại, thế nên có bức dễ đọc, có bức theo đuổi hiệu ứng tạo hình chứ không quan trọng ở việc đọc chữ. Nó giống như cuộc chơi để các thư pháp gia thỏa sức sáng tạo. “Viết thư pháp là sáng tác đường nét, mỗi lần viết là một sự trải lòng, nhiếp tâm. Thư pháp là vẻ đẹp của đường nét đi cùng văn tự. Để có được vẻ đẹp của một đường thẳng, đường cong, nét vòng, một vết mực với hai màu đen trắng là điều không dễ dàng, không đơn giản”.

Cẩn trọng về từ ngữ, cách thể hiện

Theo các nhà nghiên cứu, thư pháp chữ quốc ngữ mới xuất hiện vài chục năm trở lại đây, là một hướng phát triển thêm của bộ môn thư pháp (thư pháp Hán - Nôm). Thư pháp chữ quốc ngữ kế thừa quy tắc dùng bút và nguyên tắc mỹ học của thư pháp truyền thống, được vận dụng và chuyển thể sang.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), hướng tới Ngày Di sản Việt Nam, tại Khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đang diễn ra triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm” (đến ngày 25.9). Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm chính thức với nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật cụ thể; 41 tác phẩm nhỏ được chọn lựa riêng, với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực một cách ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác.

Triển lãm nhằm giới thiệu và trình diễn nghệ thuật thư pháp quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về thư pháp quốc ngữ.

Thư pháp gia Lưu Thanh Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, gần đây nhiều người nhìn nhận thư pháp truyền thống dần bị quên lãng, do đa phần dân ta không đọc được chữ Hán, chữ Nôm, nên bộ môn này ít người chơi. Sau năm 2010, khi phong trào thư pháp phát triển, nhiều người tìm hiểu và tập viết. Họ chọn phương pháp đơn giản nhất là viết thư pháp quốc ngữ, một cách dễ học, dễ viết, dễ tạo ra vẻ đẹp để mau chóng tham gia hoạt động viết chữ. Nhưng cách viết và hướng đi đó có điểm dừng, muốn phát triển thêm hay khai thác sự phong phú, đa dạng vẻ đẹp của đường nét là rất khó.

“Đó có thể hiểu là những khó khăn của thư pháp quốc ngữ hiện nay, cụ thể như chưa có quy chuẩn, chưa có những nghiên cứu nghiêm túc về thư pháp chữ Hán để vận dụng. Có thể bút pháp quốc ngữ đương đại có một chút lệ thư, khải thư, một chút hành thư và thảo thư nhưng không hẳn là một thể mà là dạng tổng hòa, đúc kết lại, chuyển thể sang nên mang hơi hướng, dáng dấp của thư pháp chữ Hán”, thư pháp gia Lưu Thanh Hải nói.

Mặc dù có những hạn chế, song tín hiệu vui là thư pháp quốc ngữ đang được nhiều bạn trẻ tiếp nối. Theo ông Lưu Thanh Hải, để phát triển bộ môn này, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua thư pháp, người chơi chữ cần hết sức cẩn trọng về mặt cấu trúc, từ ngữ, phương diện thể hiện nét chữ; tức là bảo đảm dễ đọc, dễ hiểu đối với một tác phẩm theo hướng cổ điển.

Hương Sen