Đào tạo nghề để thanh niên thích ứng tốt với thị trường
Báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2024 (GET for Youth) đã cảnh báo rằng, số lượng thanh niên 15 - 24 tuổi không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo là con số đáng lo ngại. Cũng trong năm nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động qua đào tạo nghề, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với "cầu" của thị trường.
Thiếu hụt lao động trẻ có tay nghề
Theo báo cáo trên, thanh niên ở một số khu vực và nhiều nữ thanh niên không nhận thấy được lợi ích của công cuộc phục hồi kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 13%, tương đương với 64,9 triệu người, là mức thấp nhất trong 15 năm qua và đã giảm so với tỷ lệ trước đại dịch là 13,8% vào năm 2019. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 12,8% trong năm nay và năm sau.
Tuy nhiên, bức tranh không giống nhau giữa các khu vực. Tại các quốc gia Ả Rập, Đông Á và Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên năm 2023 cao hơn năm 2019.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng thanh niên phải đối mặt với những trở ngại khác trong tìm kiếm việc làm, với 20,4% thanh niên trên toàn cầu trong tình trạng không có việc làm, không được đào tạo vào năm 2023.
Đối với những thanh niên có việc làm, báo cáo lưu ý rằng, không có tiến triển trong việc đạt được việc làm thỏa đáng. Trên toàn cầu, hơn một nửa số lao động trẻ làm công việc phi chính thức. Chỉ ở các nền kinh tế có thu nhập cao và trung bình cao hơn thì phần lớn lao động trẻ mới có một công việc ổn định và thường xuyên.

Tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề; nguồn "cung" lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với "cầu" của thị trường lao động.
Trong khi đó, số lượng đầu vào giáo dục nghề nghiệp hạn chế, số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp hàng năm từ 400.000 - 500.000 người so với gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm. Số còn lại vào học đại học (đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông) hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo và vào học THPT (đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở).
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động. Trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng (tương đương khoảng 700.000 người) so với nguồn cung lao động ở trình độ này của giáo dục nghề nghiệp thì còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người.
Đào tạo cần gắn với thị trường
Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác phân luồng, định hướng người học vào giáo dục nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm của hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, xã hội, nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người học đối với việc học nghề và lập nghiệp.
Liên quan đến đào tạo nghề, mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam; theo đó, cử tri mong muốn, tổ chức đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với giải quyết việc làm và đáp ứng với nhu cầu, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp trong khu cụm công nghiệp tại địa phương; tập trung đào tạo công nhân có tay nghề cao, có kỹ năng và tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động tại các nước phát triển.
Về nội dung trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là chủ trương chỉ đạo xuyên suốt của Bộ. Từ năm 2018, Bộ đã thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm.
Qua đó, tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh, sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập. Đây chính là cơ hội để người học tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng thời doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động đúng với nhu cầu sử dụng.
Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo "kép" giữa nhà trường - doanh nghiệp, tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên được đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường, đến khi tốt nghiệp tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.
Thực tế, các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Luật về thuế liên quan; thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sử dụng lao động qua đào tạo.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo và khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo.